“Thực tế khi thực hiện các dự án đường sắt đô thị vừa qua, đang gặp nhiều khó khăn do cơ chế chính sách chưa ổn định, chưa có; giải phóng mặt bằng chậm, dẫn đến dự án bị đội vốn, chậm tiến độ.
Theo kết luận số 49 của Bộ Chính trị, trong 12 năm tới, Hà Nội phải hoàn thành được gần 405km còn lại và chi phí cho việc này cần khoảng 37 tỷ USD, tương đương khoảng 850.000 tỷ đồng. Ông Hiếu, điều này là rất khó khăn về mặt thời gian, bố trí nguồn lực và chi phí” ông Hiếu nhìn nhận.
Ông Đặng Huy Đông, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển cho rằng, việc Hà Nội và TP HCM phải đạt mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị trong 12 năm. Theo đó, đến năm 2035, mỗi thành phố hoàn thành 200km đường sắt đô thị là "nhiệm vụ bất khả thi" nếu không có cơ chế đặc thù, vượt trội, theo các chuyên gia.
Góp ý về cơ chế đặc thù, vượt trội giúp hai thành phố đạt mục tiêu trên, ông Đông cho rằng các cơ quan quan Trung ương cần "may đo" riêng cho hai thành phố một khuôn khổ pháp lý mới về phát triển đường sắt đô thị.
Cụ thể là phân cấp, ủy quyền cho hai thành phố được ban hành tiêu chí và tiêu chuẩn về đô thị; trình tự thủ tục riêng về điều chỉnh quy hoạch liên quan đường sắt đô thị gắn với phát triển chỉnh trang đô thị lân cận các nhà ga.
Quốc hội cho phép hai thành phố được xác định đường sắt đô thị gắn liền khu vực TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng) lân cận nhà ga là dự án đầu tư công. Dự án này kết hợp phát triển, chỉnh trang đô thị và đấu giá đất tạo nguồn thu ngân sách để đầu tư hệ thống metro. Mỗi thành phố được tổ chức đấu giá quyền thực hiện dự án TOD sau khi hỗ trợ giải phóng mặt bằng thu hồi đất.
Về cơ chế tài chính, ông Đông đề xuất cho phép phát hành trái phiếu địa phương, trái phiếu công trình hoặc các hình thức huy động vốn khác vượt khung trần nợ công theo từng năm và trong cả giai đoạn đến năm 2035.
Hai thành phố dành một tỷ USD, trong đó 50% ngân sách thành phố, còn lại là nguồn hỗ trợ của Trung ương để thực hiện dự án thí điểm theo mô hình sandbox (khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát), áp dụng các cơ chế đặc thù, sau đó rút kinh nghiệm, hoàn chỉnh và luật hóa cơ chế.
Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển cho rằng nếu có những cơ chế đặc thù nêu trên, việc hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP HCM chỉ mất khoảng 10 năm.
TP HCM được quy hoạch 8 tuyến metro và ba tuyến xe điện mặt đất (hoặc đường sắt một ray) tổng chiều dài khoảng 220km, vốn đầu tư ước tính 25 tỷ USD. Hiện, tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và số 2 (Bến Thành - Tham Lương) tổng chiều dài hơn 30 km đã được triển khai từ vốn ODA theo cơ chế cấp phát từ ngân sách trung ương. Các tuyến còn lại chưa được đầu tư.
Theo quy hoạch Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị, gồm 9 tuyến chính và một tuyến nối các đô thị vệ tinh, tổng chiều dài hơn 400 km. Tuy nhiên, đến nay thành phố mới hoàn thành được 13 km tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông và đang thi công 12,5 km của tuyến số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội.
Tại phiên chất vấn của HĐND thành phố về giao thông đô thị cuối năm 2023, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết thành phố đã nhìn ra các vấn đề của giao thông đô thị nên trong Luật Thủ đô sửa đổi thiết kế nhiều chính sách tạo nguồn lực thực hiện hạ tầng, trong đó có đường sắt đô thị.
"Chúng ta mất 15-20 năm mới xong đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông cũng thế. Nếu tiếp tục làm từng dự án sẽ mất 100 năm để xong 12 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch", ông nói Thanh nói.