Có thể thấy rằng, trong những năm qua, Bình Định đón số lượng lớn khách du lịch đến tham quan các di tích liên quan đến phong trào Tây Sơn. Bình Định cũng ý thức được nét đẹp, cổ kính và kỳ ảo của các tháp Chăm – vừa bảo tồn, vừa hướng du khách đến với di sản.
Nếu như Ninh Bình chủ trương hướng đến các di tích thời Đinh – Lê với cố đô Hoa Lư, thì Bình Định có thành Đồ Bàn, có các di sản thời Tây Sơn. Lợi thế dễ nhìn thấy, nhưng để kéo khách đến Bình Định khó hơn so với địa thế vùng Ninh Bình.
Tuy nhiên, cách làm văn hóa bài bản – đặc biệt trong việc bảo tồn và quảng bá hình ảnh đã khiến Bình Định trở thành một trong những điểm du lịch văn hóa – lịch sử hấp dẫn nhất.
Thực ra, với công tác di sản thì tỉnh nào cũng thực hiện. Tuy nhiên, để truyền được nhiệt huyết cho người làm văn hóa, để cán bộ văn hóa hiểu rằng đó không chỉ là trách nhiệm – mà còn là sứ mệnh, thì rất khó.
Bình Định gắn liền với Tây Sơn tam kiệt, du khách đến không chỉ để thắp hương tưởng niệm, mà còn cơ hội để ngắm những hiện vật lịch sử. Không gì khiến du khách rung động hơn chính những hiện vật trước mắt, và lịch sử chỉ hiển hiện rõ rệt hơn khi có hiện vật minh chứng.
Đền thờ kết hợp bảo tàng, đó là bài học dễ thấy nhưng không dễ thực hiện. Sự liên quan từ công tác sưu tầm, bảo quản, đánh giá, sắp xếp… là cả một quá trình không dành chỗ cho sự qua loa, hời hợt.