Luật Kinh doanh bất động sản: Sửa đổi để quản lý chặt thị trường

Theo H.Vũ | 24/06/2023, 13:35
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chiều 23/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về những quy định trong dự thảo luật còn quá “mỏng”, thiếu chi tiết, chưa thể điều tiết thị trường bất động sản.

Đảm bảo chặt chẽ giao dịch bất động sản

Vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các ĐB xoay quanh quy định về sàn giao dịch BĐS. Theo nhìn nhận của ĐB Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu), các quy định về sàn giao dịch BĐS của dự thảo luật đã thu hút sự quan tâm liên quan đến việc quy định các giao dịch BĐS phải thông qua sàn giao dịch BĐS. Sàn giao dịch BĐS cần đảm bảo chặt chẽ việc hoạt động chuyên nghiệp, an toàn.

Còn theo ĐB Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn), về giao dịch BĐS thì đưa quy định này vào trong dự thảo luật nhằm tăng cường kiểm soát, công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi người dân trong giao dịch BĐS nhưng không làm ảnh hưởng đến quyền tự do trong hoạt động, phương thức giao dịch BĐS của người dân.

Tuy nhiên, ông Mạc đề nghị làm rõ thêm sàn giao dịch BĐS ở đây là bao gồm sàn giao dịch trực tiếp hay cả sàn giao dịch trực tuyến? Kiến nghị cân nhắc, bổ sung thêm một phương án mở hơn là theo hướng phân loại, phân khúc các loại giao dịch BĐS.

Nói như lời ĐB Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội) thì: “Việc quy định các giao dịch BĐS phải thông qua sàn giao dịch BĐS nhận được sự quan tâm rất lớn. Chính phủ đã có giải trình về vấn đề này. Giao dịch BĐS phải thông qua sàn giao dịch, khiến chi phí rất lớn. Cho nên cần thống kê cụ thể để kiểm soát chi phí qua sàn BĐS”.

Theo ĐB Điểu Huỳnh Sang, sàn giao dịch BĐS làm sao cho phù hợp, không để trở thành điểm nghẽn, đảm bảo an toàn lành mạnh cho thị trường, phù hợp với Bộ luật dân sự. Nghĩa vụ của sàn phải bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, quy dịnh rõ giữa giao dịch qua sàn với công chứng, cấp giấy chứng nhận bảo đảm quyền lợi cho người mua. Thống nhất với Luật Nhà ở, Luật Đất đai sửa đổi, không tạo kẽ hở trong chính sách.

Cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Nhiều ĐB bày tỏ quan điểm đồng tình và thống nhất với việc ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Việc xây dựng luật là thực sự cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật quân sự, quốc phòng. Theo ĐB Đặng Văn Lẫm (đoàn TPHCM), công trình quốc phòng và khu quân sự là tài sản nhà nước được giao cho quân đội và chính quyền địa phương các cấp tổ chức xây dựng, sử dụng, quản lý, bảo vệ để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công trình còn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, chuẩn bị cho đất nước ngay từ thời bình, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xảy ra, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo Đại đoàn kết
http://daidoanket.vn/luat-kinh-doanh-bat-dong-san-sua-doi-de-quan-ly-chat-thi-truong-5721374.html
Copy Link
http://daidoanket.vn/luat-kinh-doanh-bat-dong-san-sua-doi-de-quan-ly-chat-thi-truong-5721374.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Luật Kinh doanh bất động sản: Sửa đổi để quản lý chặt thị trường