Lừng danh văn võ họ Nghiêm

Trần Hoà | 02/05/2023, 10:53
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Không chỉ nổi tiếng võ nghệ, dòng họ Nghiêm ở Quan Độ (Bắc Ninh) còn được biết với hai nhà khoa bảng lừng danh: Nghiêm Phụ và Nghiêm Ích Khiêm.

Các nguồn sử đăng khoa cũng như sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi rằng, kỳ thi này có 50 người trong cả nước đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, trong đó Nghiêm Phụ đứng thứ 10.

Việc đỗ đạt của Nghiêm Phụ không chỉ đánh dấu bước ngoặt của dòng họ Nghiêm, mà còn mở ra truyền thống khoa bảng của dòng họ. Trước ông, họ Nghiêm đã 10 đời làm quan võ, nhưng quan niệm thuở trước cho rằng - võ quan cũng chỉ là hạng võ biền. Đến đời Nghiêm Phụ thì họ Nghiêm Quan Độ mới bắt đầu có nhà khoa bảng lớn, minh chứng rạng danh chữ nghĩa.

12 năm sau, người em con chú của Nghiêm Phụ là Nghiêm Ích Khiêm cũng đỗ đại khoa. Nghiêm Ích Khiêm sinh năm Kỷ Mão niên hiệu Thiên Hưng đời vua Lê Nghi Dân (tức năm 1459), mất năm Kỷ Mùi (1499), đỗ Hoàng Giáp khoa thi năm Canh Tuất (1490).

Nghiêm Ích Khiêm là người học rộng tài cao, văn võ song toàn. Khi mới ra làm quan, ông là quan văn nhưng sau đó đã chuyển sang quan võ tới chức Đạt tín đại phu, Cẩm y vệ Đoán sự ty, Đoán sự, Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ… và luôn luôn thường trực tại điện Kim Quang.

Trong khi làm quan, Nghiêm Ích Khiêm luôn đề cao phẩm hạnh trung nghĩa đức nhân, giữ trọn thần tiết với vua, với nước, do vậy, ông đã được nhà vua sủng ái, sĩ phu trọng vọng.

Năm 2014, nhân kỷ niệm 515 năm Ngày mất của Hoàng giáp Nghiêm Ích Khiêm, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn miếu Quốc Tử Giám đã tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàng giáp Nghiêm Ích Khiêm và truyền thống khoa bảng họ Nghiêm”, thu hút nhiều tham luận của giới nghiên cứu lịch sử.

Các nhà khoa học đã khẳng định với tài năng và đức độ, Hoàng giáp Nghiêm Ích Khiêm đã có nhiều đóng góp đối với quê hương và dòng họ, đối với triều đình và đất nước. Dù mất sớm (ở tuổi 41), nhưng ông đã kịp soạn và để lại cho dòng họ Nghiêm cuốn “Nghiêm tính gia kê” (năm 1498), hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm - là một trong những cuốn gia phả có niên đại sớm nhất ở Việt Nam.

Báu vật của họ Nghiêm

Họ Nghiêm ở Quan Độ văn võ song toàn ảnh 3
Lời tựa của cuốn 'Nghiêm tính gia kê' do Hoàng giáp Nghiêm Ích Khiêm biên soạn năm 1498.

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Mùi - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, “Nghiêm tính gia kê” được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm có bìa bằng giấy quét sơn ta hồng nhạt. Chữ viết trong sách là chữ Hán, viết theo lối chân phương.

“Nghiêm tính gia kê” có 3 phần, phần đầu là bài tựa được Hoàng giáp Nghiêm Ích Khiêm soạn vào năm 1498, phần thứ 2 là phần ghi chép truyện về các đời và phần 3 là ghi chép về các câu đối, văn tế của dòng họ. Mặc dù, cuốn này được sao chép lại vào thời vua Tự Đức nhưng được khẳng định đây là một trong những cuốn gia phả có niên đại sớm nhất của Việt Nam.

Ngoài phần liệt kê các thế hệ của dòng họ Nghiêm, mỗi đời được ghi thành một truyện, mỗi truyện đại diện cho một đời, giúp người đọc không bị gò bó bởi lối biên soạn gia phả theo trật tự, cũng qua đó có thêm nhiều thông tin phong phú về mỗi nhân vật.

Tuy là một dòng họ lừng danh Kinh Bắc, nhưng do nhiều nguyên nhân nên nguồn sử liệu chép về các danh nhân họ Nghiêm khá ít ỏi. Như Tiến sĩ Nghiêm Phụ - người khai khoa dòng chỉ được một số nguồn sử, như “Đại Việt lịch triều đăng khoa lục” nhắc đến, và chỉ ghi sơ sài, rằng Nghiêm Phụ đảm nhận chức quan Thừa chánh sứ.

Theo TS Lê Viết Nga - nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh thì “Nghiêm tính gia kê” là cuốn tư liệu quý có thể dùng để đối chiếu và làm phong phú thêm nguồn sử liệu.

Những tư liệu từ cuốn gia phả này giúp sáng tỏ thêm một số mối quan hệ với các dòng họ khoa bảng khác - như dòng họ Đàm Hương Mạc (nhà khoa bảng Đàm Thận Huy). Cuốn gia phả này không chỉ là báu vật của họ Nghiêm Quan Độ, mà còn là tư liệu cực quý hiếm đối với giới nghiên cứu lịch sử.

Dựa vào “Nghiêm tính gia kê”, các nhà nghiên cứu còn xác định được 10 đời liên tiếp làm đại quan trong triều của họ Nghiêm. Đồng thời, giúp hiểu sâu hơn về cách thức biên soạn gia phả cũng như cung cấp rất nhiều thông tin về các hoạt động giáo dục khoa cử, phong tục tập quán vài thế kỷ trước mà nhiều nguồn sử liệu không đề cập đến.

Dựa vào cuốn “Nghiêm tính gia kê”, hậu thế biết chuyện sâu hơn về Tiết nghĩa Đại vương Đàm Thận Huy - danh thần hiếm có triều Lê. Chuyện kể, khi vinh quy bái tổ, Nghiêm Ích Khiêm có đi cùng đường với Tiến sĩ Đàm Thận Huy, người xã Ông Mặc. Khi được Ích Khiêm hỏi: “Chẳng hay hiền hữu đã có người sửa túi nâng khăn chưa?”, Thận Huy cười đáp: “Thưa thân huynh, đệ vẫn còn phòng không đón khách”. Ích Khiêm tiếp lời: “Tôi có cô em gái hiền lành, nếu hiền hữu bằng lòng thì tôi xin gả”. Thận Huy đáp: “Nếu được như vậy thì đệ quả là diễm phúc”. Sau đó, Đàm Thận Huy đẹp duyên kim cải với em gái Nghiêm Ích Khiêm.

Bài liên quan
Kỳ thi lấy hai Trạng nguyên hiếm có lịch sử khoa bảng
Nếu như nhà Nguyễn sau này không chấm được ai làm Trạng nguyên, thì thời Trần từng lấy 4 Trạng nguyên chỉ trong hai kỳ thi.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lừng danh văn võ họ Nghiêm