Lý Trần Thản - nhà khoa bảng văn võ toàn tài

Trần Hoà | 23/05/2023, 09:16
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Xuất thân từ một nhà khoa bảng, Tiến sĩ Lý Trần Thản lại lĩnh nhiều chức vụ quan võ, tham gia dẹp loạn, tiễu phỉ…

Khi làm Tri huyện Phú Xuyên (Hà Nội), với tài trị nhậm, ông giữ được bản hạt thanh bình, ngày không lo cổng chưa gài, đêm dân yên giấc ngủ. Ngày Lý Trần Thản đảm nhiệm việc quan ở phủ Lỵ Nhân, ông đặt thêm các điểm tuần phòng trên các tuyến đê xung yếu sông Hồng, sông Châu.

Từ miền đồng bằng ông được cử đi công vụ ở xứ Hưng Hóa, nơi biên giới phía Bắc. Với tài văn võ song toàn, từ Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn... nơi nào ông đến là làng bản yên ổn, nhân dân vui mừng.

Những ngày được phong chức Hành quân Tư mã (Bộ tham mưu tiền phương của chúa Trịnh) cầm mấy ngàn quân vào sông Gianh xem xét tình hình, ông bí mật cho người vượt sông Gianh quan sát thực địa, lập bản đồ, sửa chữa lán trại, chăm sóc binh sĩ ốm đau... Nhờ tài mưu lược của Lý Trần Thản, việc tranh chấp của hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn được dàn xếp, bớt được cảnh đổ máu xương, gây đau khổ cho nhân dân.

Thầy của chúa Trịnh

Nhà khoa bảng văn võ toàn tài làng Lê Xá ảnh 3
Tế lễ tại nhà thờ Tiến sĩ Lý Trần Thản.

Một số nguồn sử liệu ghi rằng, sau ngày thi đỗ Tiến sĩ, Lý Trần Thản nhận việc rèn cặp Thế tử Trịnh Tông con chúa Trịnh Sâm. Trịnh Tông lúc này nhỏ tuổi nhưng thích võ nghệ, không thích học hành. Nhờ sự kèm cặp của ông và các hiền quan khác, Trịnh Tông đã bớt chơi bời, có ý thức hơn về dòng tộc, khôn khéo hơn trước nạn kiêu binh.

Đây là một giai đoạn đầy những biến động trong nội bộ phủ chúa Trịnh. Theo Quốc sử quán triều Nguyễn, Trịnh Sâm không muốn chọn Tông làm thế tử, đến khi đủ tuổi ra ở riêng, chúa cũng lờ luôn.

Theo lệ cổ, con trai của chúa cứ đến 7 tuổi thì cho ra ở riêng để học, nếu là con trai trưởng thì cứ đến 13 tuổi là cho mở phủ đệ riêng, được phong làm Thế tử. Nhưng Sâm cho rằng Khải không phải do Chính phi sinh ra nên không yêu quý lắm.

Chúa Trịnh Sâm cho rằng Tông không phải do vợ cả sinh ra, nên chỉ dùng Hân quận công Nguyễn Phương Đĩnh làm bảo phó. Đến năm 9 tuổi, Trịnh Tông mới đi học, dùng Nguyễn Lệ và Lý Trần Thản làm Tả, Hữu tư giảng.

Năm 1770, Lý Trần Thản nhậm chức quan Hình bộ Thị lang. Năm 1773 vào sông Gianh, rồi lại quay ra Bắc. Năm sau (1774), Lý Trần Thản trở lại quê ngoại Lê Xá. Mấy mẫu đất triều đình ban, ông hiến cho làng để làm đình, còn mình trở về xóm Giếng nơi vườn xưa của mẹ để ở, làm nơi thờ tự, đồng thời làm trường dạy trẻ. Tiến sĩ Lý Trần Thản tạ thế ngày 14 tháng 2 năm Bính Thân (1776) tại làng Lê Xá.

Khi Lý Trần Thản mất, triều đình Lê - Trịnh giao cho Tri phủ Lỵ Nhân Nguyễn Hữu Huân tổ chức tang lễ trọng thể, có đông đảo quan chức triều đình Lê - Trịnh, phủ Lỵ Nhân, đồng môn, học trò và dân chúng tham dự. Thay mặt triều đình quan Tri phủ Lỵ Nhân đọc điếu văn.

Câu đối của quan phủ Lỵ Nhân được bình là hay nhất: “Dĩ hiếu, dĩ trung đương nhật thiểu/ Hoàn danh, hoàn phúc kỷ nhân đồng” (nghĩa là “Giữ hiếu, giữ trung nào thấy lắm/ Vẹn danh, vẹn phúc mấy ai bằng” - Tố Hữu dịch năm 1978).

Vào tháng 2/2021, tại thôn Lê Xá, xã Tiên Sơn (thị xã Duy Tiên - Hà Nam) gia tộc Lý Trần đã tổ chức Lễ kỷ niệm 300 năm sinh ngày sinh Tiến sĩ Lý Trần Thản.

Các tư liệu còn lại cho thấy, Tiến sĩ Lý Trần Thản được ban 5 sắc phong: Ban lên chức Chiếu khám và thăng chức Cẩn sự lang ở đài Ngự sử vào ngày 12 tháng 9 năm Cảnh Hưng 28 (1767); Phong tặng Đông các Đại học sĩ, Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu, Tước tuy viễn hầu, Hữu Thị lang Hình bộ, Thượng trụ quốc, hàng thượng trật vào ngày 6 tháng 3 năm Cảnh Hưng 37 (1776);

Phong tặng là Trung đẳng phúc thần, là bậc thượng trụ của triều đình, Trung lượng đại vương, thuộc bậc chính thần của Lê Xá thờ cúng vào ngày 15 tháng 6 năm Gia Long thứ 9 (1810); Phong là Vị thần Đoan túc dực bảo Trung Hưng vào ngày 18/11 năm Thành Thái thứ nhất (1889); Tặng thêm cấp trật Vị Trung đẳng phúc thần được đặc biệt thờ phụng vào ngày 25/7 năm Khải Định thứ 9 (1924).

Theo nhà sử học Lê Văn Lan, cha và ông nội họ Đặng nhưng Lý Trần Thản lại mang họ Lý, bởi trong 2 lần thay đổi tính danh của dòng tộc từ gốc họ Trần sang Đặng Trần, rồi từ Đặng Trần sang thành Lý Trần thì ứng vào trường hợp Lý Trần Thản. Là hậu duệ của họ Đặng Trần, nhưng lại là khởi phát của việc ra đời dòng họ Lý Trần. Cho dù truân chuyên nhưng trong cả 2 lần thay đổi tính danh dòng họ thì 2 đặc điểm truyền thống nổi bật là: Dòng họ cự tộc đại gia và văn hiến thi thư đều tụ lại được ở Lý Trần Thản.

Bài liên quan
Nhà khoa bảng Vũ Khâm Lân và chuyện tình éo le nhất sử Việt
Vị danh thần nhà Lê – Tiến sĩ Vũ Khâm Lân không chỉ nổi tiếng hay chữ, mà còn được biết đến bởi câu chuyện tình vô cùng lãng mạn với cô đào xinh đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lý Trần Thản - nhà khoa bảng văn võ toàn tài