Sáng hôm sau, nàng chủ động tìm tới nhà trọ của Khâm Lân. Còn đang bồn chồn về chuyện người trong mộng bị ốm mà mình chưa có cách gì đến thăm thì tự nhiên người ta xuất hiện trước mặt, khiến chàng thư sinh luống cuống không biết làm sao.
Thế rồi bao nhiêu điều muốn biết, bao nhiêu điều muốn nói khi ấy đều quên sạch, chàng chỉ ngượng nghịu hỏi: Hôm qua chị bị ốm? Không dè cô đào lại bạo dạn nói như đã quen nhau từ lâu, mà chàng thì bỏ mặc chẳng đoái hoài.
Rồi không để Khâm Lân thanh minh, nàng mạnh dạn đặt vào tay chàng 10 quan tiền và bảo: Thiếp biết chàng khó khăn nên đến giúp chàng ít tiền gọi là để mua giấy bút học hành.
Và rồi từ đó, cứ vài bữa cô đào ấy lại đến thăm mang theo gạo tiền cho Khâm Lân. Tình yêu giữa họ dần trở nên thắm thiết.
Nhiều lần Vũ Khâm Lân muốn nàng chiều chuộng mình như vợ chồng, nhưng nàng đều cự tuyệt. Nàng nói: “Nếu thiếp là phường gió trăng thì thiếu gì trang phong lưu công tử theo đuổi. Dẫu là con nhà hát xướng nhưng chàng đừng coi thường thiếp là hạng người hư thân mất nết. Đời này con hát có gì là xấu chỉ có người nghĩ xấu về họ mà thôi. Bởi thế từ nay xin cáo biệt”.
Biết Diễm Hương yêu mình cao thượng nên Khâm Lân hổ thẹn xin lỗi mãi. Nhưng từ đó nàng chỉ gửi gạo tiền đến cho chàng mà nhất định không gặp mặt. Năm 1727, Vũ Khâm Lân đi thi đỗ tiến sĩ. Sau lễ vinh quy, nhiều nhà danh giá bắn tiếng gả con gái cho chàng.
Gia đình Khâm Lân cũng đã tìm được một gia đình phú hộ cho chàng làm rể. Nhớ đến cô đào đã giúp đỡ mình thành đạt, Khâm Lân toan cưỡng lại bậc sinh thành, song sự phản đối và ý chí của chàng không đủ mạnh nên đám cưới vẫn tiến hành.
Vũ Khâm Lân ân hận cho tìm nàng, nhưng không thấy. 20 năm sau, tình cờ Khâm Lân gặp lại nàng. Lúc này Diễm Hương sống với mẹ và đã già đi nhiều. Ái ngại cho hoàn cảnh của nàng và cũng muốn chuộc lỗi, ông xin được đưa nàng và mẹ già về nuôi, nhưng được một thời gian bà cụ mất thì Diễm Hương cũng tạ từ ra đi.
Sắc phong cho Tiến sĩ Vũ Khâm Lân ngày 6 tháng 10 năm Cảnh Hưng 7 (1746). |
Phát lộ mộ quan tiến sĩ
Vũ Khâm Lân mất ngày 20/8 âm lịch, không rõ năm. Triều đình truy tặng ông chức Thượng thư Binh bộ. Con trai ông là Vũ Cơ (1736 - ?) cũng đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 1763, làm quan tới chức Hàn lâm viện hiệu lý, trấn thủ Lạng Sơn.
Theo người thôn Ngọc Lặc, tại cánh đồng làng xưa có một gò đất cao giáp với đầu làng Mỗ Đoạn (nay thuộc xã Đại Sơn, huyện Tứ Kỳ) gọi là đống Quan Lặc. Vì sao gọi là đống Quan Lặc thì không ai biết rõ, chỉ tương truyền rằng đây là nơi an táng của một vị quan nên được gọi là đống Quan, còn Lặc là cách gọi ghép tên làng.
Năm 1953, thực dân Pháp đóng bốt Bỉnh Di, đống Quan Lặc cách bốt khoảng 50m. Để thuận tiện cho việc quan sát và tránh bị Việt Minh ẩn nấp tấn công, quân giặc đã san phẳng khu vực đống Quan Lặc.
Vào năm 1987, một gia đình ở thôn Mỗ Đoạn (cách khu vực đống Quan Lặc xưa khoảng 200m) đào ao. Thợ lái máy xúc đã đào thấy một số mảnh quan tài, một phần thi hài và một số đồ tùy táng cùng một tấm bia đá.
Sau khi nhờ người dịch, biết là của Tiến sĩ Vũ Khâm Lân, gia đình người này đã liên hệ với dòng họ Vũ ở làng Ngọc Lặc. Đại diện dòng họ đã xin chuyển toàn bộ phần mộ về an táng tại nghĩa trang địa phương.
Tấm bia đá dựng ốp vào tường trên phần mộ. Trên bia có khoảng 70 chữ (một số chữ đã bị mờ), có nội dung: “Triều Lê, Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1727) - Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Nhập thị tham tòng phụng Chánh sứ ngự sử, Đài đô ngự sử, kiêm Tả chánh ngôn Quốc sử Tổng tài Ôn Quận công, được phong tặng làm Binh bộ Thượng thư, ban tên Thụy là Mẫn Đạt Vũ Tướng quốc, hiệu Di Trai tiên sinh; mộ táng tại Quan Sơn, xã Bỉnh Di...”.
Vũ Khâm Lân để lại nhiều tác phẩm như “Phủ Sát bí mật” nhưng bị thất truyền. Hiện, tại nơi ông ra đời còn lưu giữ 2 ngôi nhà được hậu duệ giữ gìn. Một là nhà ngang với chiếc giường gọi bằng tên cổ là “sàng”. Đây là một bằng chứng về sự liêm khiết của ông.
Làm quan đầu triều nhưng của cải để lại chỉ là chiếc “sàng” bằng gỗ dân dã. Ngôi nhà chính được trùng tu thành nhà thờ, còn giữ nguyên cột, vì kèo cũ. Trên bàn thờ là bức đại tự gồm 4 chữ “Nho trung lương tướng” (tướng giỏi trong làng nho) do vua ban tặng.
Ngày nay, tại thôn Ngọc Lặc vẫn còn nhà thờ Tiến sĩ Vũ Khâm Lân cùng hệ thống di vật bia ký, đại tự, câu đối cổ và 19 đạo sắc phong. Hằng năm, cứ vào ngày 20/8 âm lịch, dòng họ Vũ lại tổ chức cúng giỗ tưởng nhớ tới công ơn tiền nhân và không ngừng phấn đấu noi gương Tiến sĩ Vũ Khâm Lân – vị đại khoa hay chữ và hết lòng vì nước.