Phạm Phú Thứ - xứng danh hai lần đứng đầu khoa bảng

Trần Hoà | 19/07/2022, 16:21
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hai lần đứng đầu khoa bảng (Giải nguyên), vào thi Đình – Phạm Phú Thứ đỗ luôn tiến sĩ cập đệ. Đời làm quan của ông nổi tiếng với những hoài bão và cải cách khoa học.

Tuy nhiên, cũng có cái kết giống như Nguyễn Trường Tộ - triều đình nhà Nguyễn không chấp nhận thay đổi. Nhiều lần thúc giục vua Tự Đức canh tân đổi mới giáo dục, nhưng Phạm Phú Thứ đều thất bại.

Tuy chuyến đi chỉ gần 9 tháng nhưng trong “Tây hành nhật ký” mà ông viết để lại những góc nhìn khá toàn diện ở lĩnh vực địa lý, chính trị, kinh tế, tôn giáo, phong tục về những vùng đất ông đi qua, như cảng Aden, Le Caire, cảng Alexandrie, Toulon, Marseille…

Đúng với nghĩa nhật ký, tập văn ghi chép những việc xảy ra hàng ngày, từ thời điểm sứ bộ xuống tàu rời Huế đến ngày tàu trở lại Việt Nam. Ba ngày sau, tập sách được trình lên vua Tự Đức, dòng cuối ghi rõ “thần Phạm Phú Thứ phụng thảo”.

Còn trong “Tây hành nhật ký”, Phạm Phú Thứ nêu nhiều nhận xét thú vị về phương Tây, đặc biệt là nước Pháp. Ông quan sát thấy trong bữa cơm thường nhật, nam nữ cùng ngồi chung vì bình quyền. Ông còn xét đến tục chào hỏi cúi đầu, bắt tay…

Ở từng trang ghi chép, cung cấp cho người đọc những tư liệu mới mẻ trong kho tàng kiến thức, chẳng hạn như về nhiếp ảnh. Có thể xác định Phan Thanh Giản là người Việt Nam đầu tiên được chụp ảnh chân dung. Thời điểm ra đời bức ảnh đầu tiên chụp vị chánh sứ này là ngày 20/9/1863.

Sau chuyến đi sứ phương Tây, Phạm Phú Thứ còn dâng 11 sớ và gửi khoảng 20 bức thư đến các đại thần như Trần Tiễn Thành, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường, Hoàng Kế Viêm… trình bày những biện pháp cải cách cần gấp rút thi hành về binh bị, kinh tế, giáo dục, tiểu công nghệ…

Chứng kiến sự phát triển của khoa học kỹ thuật phương Tây, ông từng biểu lộ trong câu thơ bày tỏ sự tiếc nuối: “Tảo giao Ðông thổ kiêm trường kỹ/ Pha – lý, Long - đôn vị túc hiền” (Giá như Ðông phương sớm giỏi kỹ thuật/ Chắc gì London, Paris đã hơn ta?).

“Hậu tổ” xe trâu

Phạm Phú Thứ - xứng danh hai lần đỗ giải nguyên ảnh 3
Xe đạp nước dẫn thủy nhập điền (ảnh tư liệu).

Phạm Phú Thứ liên tục học hỏi và trình với triều đình nhiều kế sách, sáng kiến để mở mang đất nước, đưa khoa học kỹ thuật vào đời sống. Ông thuyết phục được triều đình ban cách thức chế “xe trâu” (do ông vẽ kiểu học được ở Ai Cập, dùng trâu kéo tiện lợi gấp mấy gàu tát nước của ta), tạo 27 cỗ phát cho các tỉnh làm mẫu.

Giai thoại đất Quảng kể rằng, khi Phạm Phú Thứ theo phái đoàn sứ bộ Phan Thanh Giản sang Pháp điều đình, lúc đến sông Nil (Ai Cập) ông để ý đến loại xe nước giống như bên ta nhưng to lớn và thay vì dùng chân để đạp thì lại dùng trâu để kéo.

Ông vẽ lại thật tỉ mỉ hình ảnh và cách vận hành, mang về nước rồi bàn với các lão nông. Chiếc xe trâu đầu tiên đóng tại Hòa Vang (Quảng Nam) và được người dân mến mộ. Về sau, người dân tôn Phạm Phú Thứ là “hậu tổ” xe trâu.

Năm 1874, Phạm Phú Thứ được bổ làm Tổng đốc Hải Yên (Hải Phòng, Hải Dương và Quảng Yên) kiêm Tổng lý thương chánh Đại thần. Hơn hai vạn dân ở Hải Dương bị đói nặng, nạn nhân của vụ vỡ đê Văn Giang mấy năm liền trước đó ở phủ Khoái Châu – Hưng Yên đang trắng tay vì ngập lụt.

Trước tình hình đó, ông đã xuất 50 vạn phương thóc kho tỉnh Hưng Yên để phát chẩn và vận động người giàu dùng lúa của mình để cứu đói dân làng. Mặt khác ông tổ chức người khỏe đi khai hoang, trồng cây ngắn ngày, mở thủy lợi ở Đông Triều và Nam Sách.

Bên cạnh đó, ông còn ý thức việc truyền bá kiến thức, khoa học kỹ thuật và công nghệ của phương Tây cho người dân trong tỉnh. Cho khôi phục nhà xuất bản Hải Học Đường, vốn có từ đời Gia Long (1802 – 1819) và xuất bản 4 cuốn sách của phương Tây đã dịch từ tiếng Anh ra chữ Hán, gồm: Bác Vật tân biên (khoa học tự nhiên), Khai Môi yếu pháp (Phương pháp khai mỏ), Hàng hải kim châm (Kỹ thuật đi biển), Vạn quốc công pháp (Công pháp các nước).

Cùng với việc xuất bản, Phạm Phú Thứ còn đề cập đến một số vấn đề khoa học công nghệ như cách đúc súng, khai thác than đá, thủy tinh và giải thích tính năng, tác dụng của chất axit sunfuric trong công nghiệp. Các sách xuất bản và sự diễn giảng của ông về khoa học phổ thông đã có tiếng vang trong dư luận xã hội đương thời.

Năm 1882, Phạm Phú Thứ ốm và mất tại quê nhà giữa những ngày u ám nhất của vận mệnh nhà Nguyễn. Nghe tỉnh thần tâu lên, vua Tự Đức thương tiếc ban dụ, trong đó có đoạn: “Phú Thứ kinh lịch nhiều khó nhọc, đi Đông sang Tây, dẫu yếu đuối cũng vâng mệnh không dám từ chối”.

Ý thức về khoa học công nghệ của Phạm Phú Thứ là nét độc đáo, gần như cá biệt của một nhà Nho yêu nước trong hàng ngũ quan lại nhà Nguyễn. Ông đã vượt lên hạn chế của xã hội đương thời với hoài bão đổi mới, hình thành xu hướng canh tân từ nửa sau thế kỷ 19.

Bài liên quan
Làm sách giáo khoa bằng cả cái tâm với học trò
Ba năm nay, sách giáo khoa Cánh Diều đã và đang đồng hành với thầy trò trong cả nước, với chất lượng và hình thức được nhiều cơ sở giáo dục ủng hộ, đánh giá tích cực.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phạm Phú Thứ - xứng danh hai lần đứng đầu khoa bảng