Ngô Thì Sĩ đặc biệt thông cảm và dành nhiều ưu ái cho tầng lớp học trò và nông dân. Vào thời điểm bấy giờ, khi bộ máy quan liệu đã hết sức sa sút, một người có nhân cách cao đẹp như ông thật hiếm có.
Ngô Thì Sĩ là một trí thức có nhiều hoài bão. Suốt đời, ông theo đuổi lý tưởng làm một người có ích cho dân cho nước. Trong chính trị, có thể ông không thành công, nhưng trong sử học, văn học, ông có rất nhiều đóng góp. Ông thực sự có vai trò người sáng lập Ngô gia văn phái.
Khi viết tựa cho bộ Ngô gia văn phái, danh sĩ Phan Huy Ích (con rể của Ngô Thì Sĩ) đã viết: “Nay nhờ phúc ấm của tổ tiên mà dòng văn đời đời tiếp nối, tinh hoa đầy rẫy trong văn từ, mà bản lĩnh vẫn quy vào đạo lý. Rõ ràng là phong cách của một đại gia, vẻ đẹp, mùi thơm của mọi người không phải riêng một nhà mình”.
Theo PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, Ngô Thì Sĩ còn là một nhà sử học lớn với các tác phẩm: Việt sử tiêu án, Đại Việt sử ký tiền biên, một phần “Đại Việt sử ký tục biên”. Lối chép sử của ông có tinh thần dân tộc, có nhiều phát hiện, và có phong cách khoa học. Ông cũng là một nhà văn đa dạng về bút pháp và có một khối lượng tác phẩm khá lớn.
“Bảo chướng hoằng mộ” cho hậu thế thấy sự sắc sảo, giàu tinh thần phê phán của ngòi bút nghị luận. “Ngọ phong văn tập” thể hiện chất hiện thực, phong phú của ngòi bút ký sự. “Anh ngôn thi tập” thể hiện chất hào hoa đằm thắm của một tâm hồn thi sĩ giàu nhân ái, trung hậu...
Cái chết nhiều tồn nghi
Động Nhị Thanh – nơi Ngô Thì Sĩ qua đời sau khi trở về từ ải Nam Quan. |
Theo giới nghiên cứu, nổi bật nhất ở Ngô Thì Sĩ là chất cận đại trong thi pháp. Đó là chất văn xuôi, chất đời sống thường xuất hiện đậm nét ở mọi thể loại. Có thể gặp trong tác phẩm của ông những con số thống kê có thực, cảnh thực, người và chuyện thực. Điều này là mới mẻ so với bút pháp ước lệ, khoa trương, tượng trưng của văn học thời trung đại.
Có lẽ trước ông, không tìm thấy trong văn học nước ta nhà văn nào có cả một tập như “Khuê ai lục” nói về người vợ, người tình một cách thâm trầm da diết như vậy. Ngoài ra, thơ đề vịnh của Ngô Thì Sĩ cũng bộc lộ được tính cách hào hoa, tâm hồn phong phú và nhạy cảm trước cảnh đẹp của quê hương đất nước.
Theo một số nguồn sử liệu, Ngô Thì Sĩ mất sau lần đi công cán trên ải Nam Quan trở về vào nằm nghỉ trong động Nhị Thanh, có lẽ là do bị cảm lạnh. Tuy nhiên, cũng có sách lại cho rằng Ngô Thì Sĩ đã uống thuốc độc mà chết.
Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” chép rằng: Trước khi Ngô (Thì) Nhậm tố cáo cơ mưu của Trịnh Khải, có đem bàn với cha là Ngô (Thì) Sĩ. Ngô (Thì) Sĩ cố sức ngăn... Đến khi hay tin Ngô (Thì) Nhậm đã tố cáo, Ngô (Thì) Sĩ buồn bực mà uống thuốc độc tự tử.
Ngô (Thì) Nhậm, vì có công tố giác, được thăng làm Hữu Thị lang bộ Công, nhưng thiên hạ lúc ấy lại có câu rằng: “Sát tứ phụ nhi Thị lang”, nghĩa là “giết bốn người cha mà làm Thị lang”.
“Ngô Thì Sĩ có tầm nhìn xa rộng, có tâm huyết và có nhiều ý tưởng cải cách nền chính sự đương thời. Với văn chương, Ngô Thì Sĩ quan niệm sáng tác phải thiết thực, hữu dụng, mới mẻ và có cốt cách riêng. Ông còn là người đi trước trong loại văn hồi ức, tự truyện, đã đưa văn học trung đại Việt Nam một nét trữ tình mới”.
PGS.TS Tạ Ngọc Liễn
Sách “Lê quý dật sử” chép tương tự: “...(Ngô Thì) Sĩ thấy con bè đảng xu phụ Tuyên phi (Đặng Thị Huệ), vu khống Thế tử, ông bất bình, ra sức khuyên ngăn, nhưng (Ngô Thì) Nhậm không nghe, ông phẫn uất uống thuốc độc tự tử... (Sau vụ án) cất nhắc Ngô Thì Nhậm làm Công bộ Tả Thị lang, vì tố cáo Thế tử (Trịnh Khải) nên được ban thưởng, thăng vượt cấp bảy lần.
Sách “Hoàng Lê nhất thống chí” lại chép khác, rằng: Chỉ có một mình Nguyễn Huy Bá đứng ra tố giác, còn Ngô Thì Nhậm thì đã có lời khuyên Nguyễn Khắc Tuân phải hỏa tốc về kinh can ngăn Trịnh Khải dừng lại cơ mưu, nhưng không được nghe. Đến khi ông Tuân bị bắt giam, ông Nhậm định tìm cách gỡ tội, nhưng vì việc tang (cha mất) nên phải về.
Cái chết của một vị danh nho cần phải nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, dù thế nào thì Ngô Thì Sĩ cũng đã để lại cho đời những trước tác và cả những gia tài tri thức uyên bác, cùng cách đối nhân xử thế tử tế và hài hoà.
Hiện nay, tại xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì – Hà Nội) vẫn còn lưu giữ tương đối nguyên vẹn các di tích in đậm dấu ấn Ngô Thì Sĩ – bậc danh nho “học vấn sâu rộng, văn chương hùng vĩ, làm rạng rỡ cho tông phái nho gia”.