Thám hoa Nguyễn Danh Thực - nhà khoa bảng đầu tiên muốn sĩ tử thi tự luận

Trần Hoà | 16/05/2023, 08:42
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thám hoa Nguyễn Danh Thực là nhà khoa bảng đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục, khoa cử. Ông là người đầu tiên đề xuất thể thi tự luận.

Nhiều lần ông được cử làm giám khảo, và ông cũng chính là vị Thám hoa đầu tiên muốn sĩ tử thi cử theo thể tự luận.

Nguyễn Danh Thực (tên khác là Nguyễn Văn Thực) sinh năm Tân Mùi (1631), hiệu Hải Sơn Tự, quê ở xóm Dinh, tổng Bình Ngô, huyện Gia Định, trấn Kinh Bắc (nay thuộc xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), trong một gia đình có truyền thống Nho học. Ngay từ nhỏ ông nổi tiếng thông minh, hiếu học, cha mất sớm, mẹ ông một mình tần tảo nuôi con.

Khoa thi năm ấy

Vị Thám hoa đầu tiên muốn sĩ tử thi tự luận ảnh 1
Bia 'Diên Phúc tự bi' chùa Diên Phúc xã Đại Bái do Thám hoa Nguyễn Danh Thực soạn.

Đại Bái xưa có tên là Bưởi Nồi nổi tiếng với nghề gò và đúc đồng. Đây cũng là quê hương của các nhà khoa bảng Phạm Hoảng (đỗ Hoàng giáp năm 1535), Nguyễn Hoằng Diễn (đỗ Hoàng giáp năm 1541), Nguyễn Hoằng Ngạn (đỗ Hoàng giáp năm 1550), Nguyễn Thầm (đỗ Tiến sĩ năm 1559), Nguyễn Kì Phùng (đỗ Hoàng giáp năm 1580), Nguyễn Công Tạo (đỗ Tiến sĩ năm 1640).

Sống ở một làng quê có truyền thống hay chữ nên Nguyễn Danh Thực cũng sớm nuôi chí hướng lập thân bằng khoa cử. Từ nhỏ, ông đã được người cha yêu mến dạy bảo, nhưng đến năm 13 tuổi thì cha ông qua đời.

Không có ghi chép rõ ràng về việc ông học thầy nào, chỉ biết năm 1648 khi ấy mới 17 tuổi ông đi thi Hội vào đến Tam trường, đỗ Sĩ vọng và được vào làm việc ở bộ Hộ.

Đến khoa thi năm Kỷ Hợi (1659) đời vua Lê Thần Tông, ông tham dự kỳ thi Đình và đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh (Thám hoa), cùng với Trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh và Bảng nhãn Nguyễn Văn Bích ghi danh vào hàng Tam khôi.

Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi này do Thượng thư Bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ Nguyễn Quý Đức vâng sắc nhuận, Hàn lâm viện Hiệu lý Nguyễn Quý Ân vâng sắc soạn có nội dung như sau: “…Mùa Hạ tháng 4 vào Điện thí. Ban cho bọn Nguyễn Quốc Trinh 3 người đỗ Tiến sĩ cập đệ… Ban áo mũ cân đai để y phục đẹp đẽ, cho dự yến Quỳnh Lâm để tỏ ơn trọng hậu, rồi cho cưỡi ngựa vinh quy về làng, nêu cao lòng sủng ái…

Hãy lấy sự nghiệp của các nhân tài thi đỗ khoa này mà xem: Có người cứng cỏi dám nói, khảng khái đứng giữa triều, nghị bàn xác đáng, gian khó không nề, đáng gọi là bậc Trạng nguyên trung hiếu.

Có người văn học uyên bác, làm khuôn mẫu cho đời, học trò kính ngưỡng như Thái Sơn, Bắc Đẩu, mà cũng được sự hâm mộ ở mọi người, đáng gọi là bậc quân tử vàng ngọc. Có người đi sứ xướng họa thơ văn mà làm cho uy thế của nước nhà thêm trọng. Có người ở dinh Ngự sử mà kẻ gian nịnh phải rét lòng, thật cũng có ích thay!

Nếu không được như thế, tức là chỉ ngồi không, coi việc giữ tước lộc chức vị là cao, coi xảo trá giả dối là trí, chạy theo dục vọng mà không theo đạo đức, bỏ thực chất mà theo hư danh, như thế thì hình tích đã chẳng còn, mà công luận không sao cho thoát, há chẳng đáng khinh bỉ lắm thay! Đủ biết bia đá này dựng lên, ý khích lệ thật rất sâu sắc, ý khuyên răn cũng thật rất đến chốn, đáng bổ ích cho thế đạo, há chỉ là đặt dựng suông đâu”.

Cải cách thi tự luận

Vị Thám hoa đầu tiên muốn sĩ tử thi tự luận ảnh 2
Đại Bái không chỉ nổi tiếng với nghề gò và đúc đồng, mà còn là làng khoa bảng.

Sau khi thi đỗ, Nguyễn Danh Thực được bổ làm ở Hàn lâm viện, tước Hải Sơn nam. Năm sau ông được cử giữ chức Tham chính Thanh Hoá. Tại đây ông làm rõ và nghiêm trị bọn Lê Liêu Nguyên về những hành động nhũng lạm bất minh, vụ án nổi tiếng thời bấy giờ, mọi người đều kính phục. Vua Lê Huyền Tông đặc cách thưởng cho ông 100 quan tiền và chuyển về triều nhận chức Hồng lô tự khanh.

Về việc này, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng: “Bấy giờ có Giám sát ngự sử Lê Liêu cùng đỗ một khoa Sĩ vọng với Danh Thực, vốn quen biết nhau. Đến khi Liêu có tang cha, về để tang, làm nhiều điều trái lễ trái phép, có người kiện đến nha môn, Danh Thực xét được tình trạng, lấy công nghĩa xử án, kính phải lên bắt tội, vương thượng khen là không thiên vị người quen thân, nên đặc cách thưởng và thăng”.

Năm 1667 Nguyễn Danh Thực theo chúa Trịnh Căn đánh quân Mạc ở Cao Bằng có công được thăng Binh bộ thị lang kiêm Phó Đô ngự sử. Năm 1673 ông được thăng chức Lại bộ tả thị lang. Năm 1683 kiêm thêm chức Bồi tụng, Đô Ngự sử đài, Nhập thị kinh diên, tước Hải Sơn tử. Đến năm 1690 ông được thăng chức Binh bộ thượng thư.

Nguyễn Danh Thực làm quan trung thực, thanh liêm. Khi mới làm quan, làng làm đường nhưng ông chưa kịp đóng góp, khi về làng ông rất ân hận. Đến khi được triều đình thưởng tiền ông đã dùng toàn bộ tiền ấy làm con đường Dinh ở làng, nay vẫn còn.

Theo các nguồn sử liệu, Nguyễn Danh Thực là vị Thám hoa có lòng quan tâm đặc biệt đến giáo dục, khoa cử của nước nhà. Ông đã dâng sớ đề nghị chúa Trịnh mở mang, tu sửa Quốc Tử Giám, dựng thêm nhà học ở các trấn để thêm nhiều người được học cũng là mở mang dân trí, thêm nhân tài cho đất nước.

Từ đó, việc thi cử cũng được được chấn chỉnh cho bài bản và công bằng. Với tài năng của mình, Nguyễn Danh Thực được triều đình cử làm giám khảo các khoa thi năm 1685, 1688 và 1691 - những khoa thi này đều đem lại kết quả rất khách quan, nghiêm túc. Trong các khoa thi này lấy đỗ nhiều nhân tài cho đất nước như Đặng Đình Tướng (1670), Nguyễn Đăng Đạo (1683), Vũ Thạnh (1685)…

Thám hoa Nguyễn Danh Thực sớm nhận thấy sự phù phiếm của văn chương khoa cử kiểu tầm chương trích cú, xa rời thực tế và có tờ khải dâng lên chúa Trịnh đề xuất cải cách giáo dục, lấy mẫu thời Hồng Đức. Chúa Trịnh nghe theo và năm Quý Dậu (1693) quy định: “Từ nay trở đi phép thi nhất nhất theo thể văn Hồng Đức. Khi làm văn, tuỳ đầu bài hỏi, tự ý mình nghĩ riêng ra mà đối đáp, chứ không viết trầm theo bài văn cũ học”.

Tiếc rằng sự nghiệp cải cách giáo dục thời kì này bị dở dang vì Nguyễn Danh Thực - người đề xuất qua đời vào ngay năm ấy (1693).

Nguyễn Danh Thực làm quan trải qua bốn triều vua Lê: Lê Thần Tông, Lê Huyền Tông, Lê Gia Tông và Lê Hy Tông). Từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều. Ông mất năm 1693, khi đang giữ chức Tham tụng Binh bộ Thượng thư, được thăng Lại Bộ Thượng thư, tước Hải Quận công.

Tiếng thơm tạc vào bia đá

Vị Thám hoa đầu tiên muốn sĩ tử thi tự luận ảnh 3
Đình làng Đại Bái còn giữ nhiều dấu ấn của các vị tiên hiền.

Theo giới nghiên cứu lịch sử, Thám hoa Nguyễn Danh Thực để lại tác phẩm không nhiều. Tuy nhiên, do nổi tiếng là người văn hay chữ đẹp, thẳng thắn công bằng nên được nhiều địa phương mời đến soạn viết văn bia.

Giới nghiên cứu cũng đã sưu tầm được một số bài văn bia do ông soạn ở các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Thanh Hoá gồm: Diên Phúc tự bi (Bia chùa Diên Phúc xã Đại Bái huyện Gia Bình tạo năm Nhâm Dần - 1662), Bái Thượng đình bi kí (Bia đình Bái Thượng xã Ngọc Xuyên huyện Gia Bình tạo năm Quý Mão - 1663), Diên Lộc phường tân tạo (Bia đình Diên Lộc thờ tổ nghề đồng tạo năm - 1686), Thần Phật chi bi (Bia chùa Tố Linh xã Phú Tứ huyện Gia Bình tạo năm - 1687), Phụng sự bi ký (Bia ở huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa dựng năm 1686 để tưởng niệm bà Hoàng Thái hậu Phạm Thị Hậu, vợ vua Lê Thần Tông).

Khoảng những năm 2014, giới khảo cổ trong lúc đi điền dã ở chùa Bảo Phúc (Đổng Lâm - Quỳnh Phú - Gia Bình) đã phát hiện ra một tấm bia đá do Thám hoa Nguyễn Danh Thực soạn có tên “Từ Phật bi kí”. Tấm bia này có bốn mặt bằng nhau, khắc chữ cả bốn mặt, chôn sâu ở ngay gần cổng chùa.

Bia dựng ngày tốt tháng mạnh xuân (tháng Giêng) niên hiệu Chính Hòa thứ 10 (1689). Nội dung văn bia có câu: “Từng nghe, Phật pháp ngày càng sáng tỏ như ánh mặt trời, làm việc nhân đức, hiền từ bác ái, thương yêu vạn vật, biết Phật không ở xa mà ở ngay tại tâm mình vậy”.

Sau khi kể công lao nhân vật Nguyễn Phúc Thắng có tâm bỏ tiền của tu tạo chùa, văn bia có bài minh: “Phật há vô tâm/ Tâm tức là Phật/ Ngôi chùa dựng thành/ Bảo điền dâng cúng/ Điều thiện ngợi khen/ Công lao khó thuật/ Phật phát người tôn/ Sau trước xứng đôi/ Danh tuy có khác/ Việc lại như một/ Giáng lâm phúc lành/ Làng vui yên ổn/ Muôn đời như thế/ Than ôi tốt lành”.

Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ một số thác bản văn bia do Thám hoa, Tham tụng Nguyễn Danh Thực soạn. Tại làng Đại Bái cũng lưu giữ một số hiện vật và các giai thoại về Thám hoa Nguyễn Danh Thực. Tương truyền con đường cái Dinh vào làng là do ông góp tiền của xây dựng. Trên nền cũ ngôi nhà của ông ở trước kia, dân làng đã dựng nhà thờ để tưởng nhớ.

Bài liên quan
Hot trend mặc đồ lót ra ngoài biến thành thảm họa đường phố
(GDTĐ) - Trào lưu 'bye bra' được các chị em lăng xê rầm rộ nhưng người khen, kẻ chê vì lý do gì?

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thám hoa Nguyễn Danh Thực - nhà khoa bảng đầu tiên muốn sĩ tử thi tự luận