Điều trị sỏi thận bằng phương pháp tán sỏi thận qua da tại Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn. Ảnh: BVCC
Theo các bác sĩ, sỏi tiết niệu là những khối rắn xuất hiện trên đường bài xuất nước tiểu. Đa số những viên sỏi này được hình thành tại thận, sau đó di chuyển theo dòng chảy nước tiểu đến các vị trí khác trên đường tiết niệu như niệu quản, bàng quang, niệu đạo. Trong đó, sỏi thận chiếm tỷ lệ lớn nhất tới 40%.
Việc sử dụng các loại thuốc truyền miệng chưa được kiểm chứng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với sức khỏe, có thể làm mất các triệu chứng của bệnh tiết niệu. Người bệnh nhầm tưởng đã khỏi bệnh, trong khi đó bệnh vẫn tồn tại, làm thận ngày càng bị ảnh hưởng, suy giảm chức năng. Lâu dần, người bệnh sẽ có những dấu hiệu suy thận hoặc các biến chứng của sỏi tiết niệu. Lúc này, bệnh nhân mới đến khám, bệnh đã quá nặng, điều trị khó khăn.
Bác sĩ khuyến cáo, người bệnh bị sỏi thận cần đi khám để biết mức độ, kích thước, vị trí của sỏi và bệnh có khả năng gây biến chứng hay không. Trường hợp sỏi nhỏ, bác sĩ chỉ định dùng các loại thuốc phù hợp làm giãn cơ niệu quản, đẩy sỏi ra. Nếu sỏi không tự đào thải ra ngoài bằng đường tiểu, có thể chỉ định tán sỏi.
Việc sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc, kèm theo việc bảo quản, sao tẩm thuốc có thể chứa nhiều hóa chất độc hại khiến tình trạng suy thận thêm nặng nề. Vì vậy, nếu muốn điều trị bằng thuốc y học cổ truyền, người bệnh cần có sự tư vấn của bác sĩ.
Để phòng bệnh sỏi thận, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh. Để bảo vệ thận, cần lưu ý tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày, lựa chọn thực phẩm lành mạnh, đủ chất, tăng cường nhiều rau xanh, hoa quả tươi và giảm muối. Đặc biệt lưu ý uống đủ nước để giúp cho thận hoạt động tốt.