Nhiều bé trai khi chào đời không có một hoặc cả hai bên tinh hoàn, thường liên đến các hội chứng gây rối loạn nội tiết hoặc bất thường về mặt giải phẫu của bó mạch tinh hoàn.
Đàn ông mắc ung thư tinh hoàn, tiền liệt tuyến, vú, chấn thương dập vỡ tinh hoàn không thể bảo tồn, nhiễm trùng tinh hoàn nặng không đáp ứng với kháng sinh có thể phải cắt tinh hoàn để đảm bảo sức khỏe.
Nếu như tinh hoàn còn lại vẫn đảm bảo được về kích thước, cấu trúc và chức năng thì khả năng sinh sản của nam giới vẫn được bảo tồn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chỉ còn một bên tinh hoàn, khiến chất lượng và số lượng tinh trùng ít nhiều cũng bị giảm sút, khả năng có con cũng trở nên khó khăn hơn.
Tùy theo mức độ suy giảm, bác sĩ có thể đưa các phương án khác nhau như điều trị nâng cao số lượng, chất lượng tinh trùng bằng nội tiết, sử dụng các thuốc hỗ trợ tăng chất lượng tinh trùng hoặc can thiệp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh nhân tạo (IUI), thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Lưu ý, nam giới mắc ung thư tinh hoàn, tiền liệt tuyến, vú thì phải phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn, tiếp sau là các liệu pháp xạ, hóa trị. Các phác đồ này có thể ảnh hưởng đến bên tinh hoàn còn lại, khiến khả năng sinh sản của nam giới bị kém đi, thậm chí gây vô sinh. Lúc này, bác sĩ khuyến cáo trữ đông tinh trùng để bảo tồn khả năng có con trong tương lai.