Tuy nhiên, những đứa trẻ cũng cần phải đảm bảo sự cân bằng giữa thời gian sử dụng công nghệ và thời gian phát triển thể chất, tinh thần ngoài công nghệ. Muốn vậy, cha mẹ vừa phải là người giám sát vừa phải là người đặt ra các quy tắc để trẻ tuân thủ khi sử dụng công nghệ AI một cách an toàn.
Hãy đặt quy tắc về thời gian sử dụng: quy định rõ thời gian sử dụng công nghệ AI, trong đó, phân định rõ giữa giờ học và giờ chơi cũng như giới hạn thời lượng dành cho giải trí của trẻ; giới hạn những hành động không được phép làm trong thời gian học…
Cha mẹ hãy quản lý nội dung các ứng dụng: quản lý, kiểm soát nội dung của các phần mềm AI mà trẻ đang sử dụng, nắm được trẻ đang học, chơi, tìm hiểu cái gì; vạch rõ những việc trẻ được làm và không được làm.
Quản lý chặt chẽ thông tin cá nhân của trẻ; đặt cho trẻ nguyên tắc tuyệt đối không bao giờ công khai các thông tin cá nhân như họ tên, trường học, địa chỉ, số nhà, số điện thoại…Đồng thời, giải thích để trẻ hiểu rằng các thông tin này có thể bị người khác thu thập, sử dụng cho những mục đích xấu.
Quy định hình phạt khi trẻ không tuân thủ quy định. Việc làm này cần được đưa ra thảo luận cùng với trẻ trước khi yêu cầu trẻ thực hiện. Đồng thời cha mẹ cũng cần giữ thái độ cương quyết và thống nhất giữa các lần xử phạt để tạo nếp cho trẻ. Bên cạnh đó cần hướng dẫn trẻ kĩ năng từ chối khi bạn bè rủ rê.
Ông Võ Hùng cũng nhận định: “Thế hệ trẻ ở những năm 2040, 2050 của Việt Nam sẽ là những người tự hào về cội nguồn của mình, tự hào về bản sắc cá nhân; có tầm nhìn toàn cầu, thấu hiểu các vấn đề ở trên diện rộng; sẵn sàng kết nối với nhân loại...
Do đó, điều quan trọng nhất là ngay từ sớm, trẻ cần được sống trong không gian khuyến khích việc tự giải quyết vấn đề, luôn nhìn mọi việc theo hướng tìm giải pháp, biết thích nghi với sự thay đổi. Nếu được trang bị những điều đó, trẻ có thể tự tin thích ứng trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, bao gồm cả việc tiếp cận và sử dụng công nghệ AI”.
6 điều cần dạy cho trẻ trong thời đại trí tuệ thông minh nhân tạo:
1. Giúp trẻ chủ động sáng tạo bằng cách nuôi dưỡng sự tò mò, đề cao và phát huy khả năng tưởng tượng, đồng thời đặt niềm tin vào trẻ.
2. Giúp trẻ làm quen với nhiều hình thái, khía cạnh khác nhau của cùng một chủ đề và học cách thể hiện.
3. Dạy trẻ sự chủ động độc lập, nhưng hiểu tầm quan trọng của sự kết nối và những mối quan hệ hữu ích.
4. Giúp trẻ rèn luyện sự kiên trì và kiên định; học cách vượt qua khó khăn và giải quyết khó khăn, dám đương đầu với khó khăn, thử thách.
5. Giúp trẻ làm quen và chấp nhận những sự bất định, không chắc chắn; không ngần ngại với sự hỗn loạn; thích thú với sự thay đổi và sẵn sàng làm mới cái cũ, sáng tạo ra tương lai.
6. Dạy trẻ hiểu và tôn trọng tính nhân bản, tập trung vào cốt lõi của tình yêu, khả năng thấu cảm và sự trắc ẩn.
Theo Ông Võ Hùng (thành viên Hội đồng cố vấn, Đại học Fullbright)