GDTĐ - Mỹ không cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do Washington sản xuất để tấn công sâu vào Nga, bao gồm cả khu vực Kursk.
Thông tin trên được đài RT (Nga) dẫn lời phó phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh trong một cuộc họp báo mới đây.
Tuy bố từ phía Lầu Năm Góc diễn ra trong bối cảnh lực lượng Ukraine hôm 6/8 bất ngờ mở cuộc tấn công xuyên biên giới tràn qua khu vực Kursk của Nga. Xung đột vẫn tiếp diễn tại khu vực này suốt những ngày qua.
Kiev đã nhiều lần kêu gọi đồng minh phương Tây cho phép họ sử dụng một số loại vũ khí nhất định, bao gồm tên lửa tầm xa ATACMS, để tấn công vào lãnh thổ Nga.
ATACMS có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên tới 300 km và có thể được phóng từ hệ thống phóng tên lửa đa nòng HIMARS do Mỹ sản xuất.
Lầu Năm Góc cho biết họ đã “thiết lập các thông số” và sẽ “không thay đổi” trong việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tấn công sâu lãnh thổ Nga vì sợ “leo thang căng thẳng”.
Washington Post hồi tháng 6 trích dẫn lời một số quan chức Ukraine cho rằng Mỹ đã đặt ra giới hạn việc Kiev sử dụng vũ khí của họ tấn công lãnh thổ Nga không quá “100 km”.
Bộ Quốc phòng Nga trước đó đã báo cáo rằng họ đã phá hủy một bệ phóng tên lửa đa nòng HIMARS do Mỹ sản xuất và được sử dụng để tấn công khu vực Kursk.
Đầu tuần này, tờ The Telegraph đưa tin rằng chính phủ Anh đã từ chối cho phép Kiev sử dụng tên lửa Storm Shadow – một loại tên lửa tầm xa khác do phương Tây sản xuất – để hỗ trợ cho cuộc tấn công vào khu vực Kursk của Nga.
Theo CNN, Nhà Trắng miễn cưỡng cho phép Kiev sử dụng ATACMS không phải vì lo sợ leo thang mà vì "nguồn cung hạn chế" .
Diễn biến vừa qua tại khu vực Kursk đã trở thành cuộc tấn công lớn nhất của Ukraine vào khu vực biên giới Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột cuối tháng 2/2022.