Học sinh thảo luận chuyên sâu về các chủ đề liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu |
Phát biểu tại hội thảo, bà Tara O’Connell -Trưởng Chương trình Giáo dục UNICEF Việt Nam nhấn mạnh: Việt Nam là một trong những quốc gia rất dễ bị tổn thương trước các thảm họa thiên nhiên liên quan đến khí hậu. Trong đó, trẻ em, học sinh là đối tượng phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Tác động của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường với khả năng học tập của trẻ là có thật.
UNICEF cam kết phối hợp với Bộ GD&ĐT hỗ trợ hệ thống ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu, tài nguyên học tập về biến đổi khí hậu trong nhà trường, nâng cao năng lực của giáo viên, trang bị kĩ năng, giải quyết vấn đề thay đổi hành vi ở cấp độ trường học và cộng đồng, vì môi trường có khả năng thích ứng và chống chịu tốt hơn thông minh hơn với biến đổi khí hậu.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm |
Trong hội thảo, đại diện các nhóm học sinh đã trình bày tham luận Hành trình xanh nơi biên cương (Trường THPT số 1 TP Lào Cai), Sáng kiến giải pháp nhằm thúc đẩy lối sống xanh- hành vi xanh (THPT Nguyễn Văn Huyên, Tuyên Quang), Mô hình đổi chai nhựa lấy cây xanh (THPT chuyên Hà Giang), Xanh hóa môi trường sống (Trường PTDTNT Bắc Cạn).
Cùng với đó, các nhóm học sinh đã thảo luận chuyên sâu về các chủ đề liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu, trao đổi, chia sẻ các kiến thức, hiểu biết, mô hình đã triển khai, đề xuất, kiến nghị về kĩ năng xanh, hành vi xanh và lối sống xanh tới cộng đồng nhằm bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Với hơn 1 triệu cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và hơn 24 triệu học sinh, sinh viên, ngành Giáo dục là lực lượng hùng hậu, xung kích về công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu hướng tới phát triển bền vững, góp phần giữ vững ổn định và phát triển đất nước.