Nên linh hoạt phương thức dạy học trong điều kiện dịch bệnh

PV | 07/11/2021, 15:33
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Khoảng 20 tỉnh, thành phố đang dạy, học trực tiếp, số còn lại dạy, học trực tuyến kết hợp trực tiếp hoặc trực tuyến hoàn toàn. Nhiều ý kiến cho rằng, địa phương nên linh hoạt đến từng trường, thậm chí đến từng lớp học, không nên đồng loạt đóng cửa trường.

Nơi an toàn nên cho học sinh đi học

Nhiều trường ngoài công lập tại Hà Nội cho học sinh học trực tuyến từ đầu tháng 8 đến nay đã hơn 3 tháng, trường công lập cũng dạy trực tuyến hơn 2 tháng. Học trực tuyến kéo dài khiến học sinh, giáo viên đều áp lực, mệt mỏi, hiệu quả không cao, nhất là trong bối cảnh, phụ huynh đi làm, học sinh đơn độc với thiết bị, mạng Internet. Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm, Hà Nội, ông Trần Minh Mạnh, cho biết, với khối lớp 1-2, các trường xếp lịch buổi tối để có phụ huynh hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện nay phụ huynh đã đi làm hết, không thể sát sao với con như những ngày giãn cách xã hội.

Bộ GD&ÐT hướng dẫn, với lớp 1-2, nếu dạy học trực tuyến, sẽ không kiểm tra giữa kỳ, nhưng để biết học sinh đạt được mục tiêu nào trong quá trình dạy học, giáo viên vẫn phải kiểm tra như một bài đánh giá thường xuyên.

Các trưởng Phòng GD&ĐT ở Hà Nội cho rằng, hiện nay xã, phường nào an toàn nên cho học sinh đi học, không cần “đồng phục” phương thức đến cấp huyện, thị xã. Còn nếu để mở cửa trường học đồng loạt, Hà Nội cần nhanh chóng tiêm vắc xin cho học sinh THPT và học sinh lớp 7-9. Khi có tỉ lệ tiêm vắc xin cao, học sinh có thể an toàn tới trường thay vì thấp thỏm chạy theo tình hình dịch bệnh như hiện nay. “Nếu mở cửa trường học được 1-2 ngày, có ca bệnh lại phải đóng cửa, chuyển sang học trực tuyến sẽ gây xáo trộn rất lớn cả phương thức lẫn tâm lý học tập của học sinh, thầy cô”, lãnh đạo một phòng GD&ĐT tại Hà Nội nói.

Địa phương cần linh hoạt

Liên quan các ca COVID-19, ngày 5/11, Hà Tĩnh cho khoảng 30.000 học sinh các trường ở huyện Thạch Hà, TP Hà Tĩnh, huyện Cẩm Xuyên nghỉ học, đồng thời xét nghiệm COVID-19 cho học sinh nhiều trường. Từ đầu năm học, học sinh THCS-THPT phải học trực tuyến; học sinh tiểu học tạm dừng việc học một thời gian dài. Được đi học trực tiếp chưa lâu, học sinh nhiều nơi ở tỉnh này lại phải dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến.

Tương tự, tại Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Điện Biên, Hải Dương…, sau khi địa phương xuất hiện một số trường hợp F0 trong cộng đồng, trường học, chính quyền đã cho đóng cửa, chuyển đổi phương thức dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến.

Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam, nói rằng, từ đầu năm học đến nay, địa phương cơ bản giữ ổn định phương thức dạy học trực tiếp, các trường không bị xáo trộn dù một số nơi xuất hiện F0. Đầu tiên, khi chưa có dịch, các trường nhanh chóng dạy kiến thức cơ bản, trọng tâm, phần nào học sinh có thể tự học, tự làm thì giao cho các em tự học. Do đó, đến nay, các trường có thể dôi ra được 2 tuần để thực hiện chương trình. Ngoài ra, ngay từ đầu năm học, địa phương xác định các trường phải thích ứng, linh hoạt đến từng trường, từng lớp học để vừa chống dịch vừa học tập. Một số nơi như huyện Núi Thành, Nam Trà My có ca nhiễm COVID-19, cả trường được nghỉ học 1 ngày để đưa F0 đi điều trị, bóc tách F1, F2 xét nghiệm. Sau đó, chỉ có lớp có ca mắc nghỉ học, các lớp khác học bình thường, không có chuyện nghỉ học trên diện rộng. “Ban giám hiệu trường học không được chủ quan nhưng cũng không quá sợ hãi, phải làm sao cho phụ huynh thấy, đó là cách làm đúng”, ông Quốc nói.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ, ông Nguyễn Văn Mạnh, nói rằng, hiện nay địa phương có hơn 200 giáo viên, học sinh mắc COVID-19, nhưng không vì thế mà yêu cầu tất cả trường học trên toàn tỉnh đóng cửa. “Quan điểm của Sở GD&ĐT là linh hoạt đến từng trường học. Nơi nào bóc tách được hết F0, cách ly F1, trường học sẽ sớm mở cửa để học sinh học trực tiếp”, ông Mạnh nói. Theo ông, hiện nay, một số trường đóng cửa, nhưng học sinh, giáo viên không quá lo lắng về tiến độ vì ngay sau lễ khai giảng, các trường dạy trực tiếp nội dung cốt lõi, cơ bản, chương trình được đẩy lên khoảng 1-2 tuần. Ngay khi có vắc xin, học sinh THCS-THTP sẽ được tiêm phòng, việc mở cửa trường học sẽ đảm bảo an toàn hơn.

Bài liên quan
Dự kiến dạy học trực tiếp với địa bàn dịch cấp thấp và trung bình
TP Hồ Chí Minh đang dự kiến dạy học trực tiếp với địa bàn dịch cấp 1, cấp 2 (cấp nguy cơ thấp và trung bình).

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nên linh hoạt phương thức dạy học trong điều kiện dịch bệnh