Tỉ lệ thiên về sách giáo khoa, sách tham khảo thực ra không phải là chuyện lạ đối với việc tính bản sách bình quân đầu người. Bởi trong tọa đàm “Văn hóa đọc và phát triển ngành xuất bản trong tương lai” diễn ra vào cuối năm 2021, ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - khẳng định: Chia đều cho 90 triệu dân Việt Nam, phần sách phổ thông có lẽ chỉ “xông xênh” 1 đầu sách/người. Chỉ số này chứng minh sức đọc của người Việt rất thấp.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, nhà nghiên cứu – dịch giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng, 6,02 bản sách/người/năm là tỉ lệ sách in tăng/đầu người chứ không phải là tỉ lệ sách đọc. Nhiều đầu sách in ra cũng không ai đọc, sách vào thư viện nằm ở trên giá hoặc tại cửa hàng. Bởi vậy, muốn biết người Việt đọc bao nhiêu sách thì cần điều tra thực tế và cụ thể.
Lần đầu tiên ngành xuất bản cán mốc 6,02 bản sách/người/năm. Ảnh minh họa: IT |
Đầu tháng 3/2023, trong hội nghị giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản - Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng cho biết, lượng xuất bản phẩm bình quân đầu người trong năm qua là 4,9 bản cứng (tăng 5,4%). Nếu tính cả sách điện tử, sách nói, số liệu lên tới 5,3 bản/người/năm.
Dù khuynh hướng chung là không xuất bản quá nhiều đầu sách, không xuất bản tràn lan mà theo hướng tinh lọc, tuy vậy số đầu sách phát hành ở Việt Nam năm 2022 vẫn đứng đầu Đông Nam Á - với 34.496 đầu sách (chưa bao gồm sách điện tử, sách nói…).
Số sách nộp lưu chiểu giảm nhưng số bản sách tăng vượt chỉ tiêu. Tính đến tháng 11/2022, Bộ TT&TT đã ghi nhận được hơn 487 triệu bản sách in.
Bên cạnh thị trường sách giấy, xuất bản cũng phát triển mạnh trên nền tảng số. Năm 2018 chỉ có 2 doanh nghiệp tham gia thị trường này thì đến nay đã có 19 nhà xuất bản đăng ký phát hành sách trên nền tảng số.
Riêng mảng sách điện tử, Bộ TT&TT ghi nhận 3.200 xuất bản phẩm với 15 triệu lượt người sử dụng (tương đương 32 - 35 triệu bản sách được đọc), tăng 59% so với năm trước. Đặc biệt, có 2 thị trường mới đã hình thành: Sách nói và sách tinh gọn.
Bởi vậy, ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ TT&TT - cho rằng, phải coi xuất bản là một ngành kinh tế công nghệ. Do đó, cần xây dựng bộ công cụ đo, bộ tiêu chí xếp hạng để làm thành những mắt xích trong hệ sinh thái xuất bản. Thay vì phát triển nhiều nền tảng số, nên đầu tư vào một nền tảng chung - sẽ không chỉ có sức hút với độc giả, mà còn tránh lãng phí.
Để tránh lãng phí và để người Việt ham đọc sách, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương cho rằng, việc người Việt lười đọc cũng liên quan một phần đến thực trạng có quá nhiều sách vô bổ.
“Hiện, thị trường còn nhiều sách vô bổ nhưng không đáng lo và quốc gia nào cũng có loại sách đó. Vấn đề là giáo dục, truyền thông cần tập trung vào sách hay, giá trị và sản xuất các sách hay để cân bằng”, ông Vương cho biết.
“Để số sách được đọc tăng lên, cần chính sách quốc gia về khuyến đọc - bao gồm cải cách giáo dục đi vào thực chất, khuyến khích sáng tạo, biểu đạt. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống thư viện công hoạt động hiệu quả. Thư viện trường học cần có nhân viên chuyên trách có đủ năng lực nghề và tiến hành khuyến đọc thường xuyên. Các công ty, cá nhân, tổ chức ngoài xã hội tích cực khuyến đọc trong gia đình, trong công ty. Giới nhà văn, học giả thì dịch và viết nhiều hơn nữa, hay hơn nữa để có tác phẩm hay”
- Nhà nghiên cứu - dịch giả Nguyễn Quốc Vương.