Vào giữa thế kỉ 19, khi người phương Tây ồ ạt đến phương Đông. Nhật Bản dưới thời Mạc phủ Edo có đến vài trăm học giả Hà Lan học. Giáo dục hướng dẫn học sinh nghiên cứu văn minh thế giới, từ ngôn ngữ, tư tưởng tới kỹ thuật đúc súng, đóng thuyền, quản trị xã hội.
Thời kỳ đó, tại Đại Nam sĩ phu nước nhà vẫn cứ coi phương Tây là “lông đỏ man di”, xa lánh nguồn văn minh ngoại lai. Thế nên, trong xã hội bảo thủ với những quan niệm mù mờ đã sản sinh thói tự đại, coi mình là trên hết.
Nói vậy không phải để phỉ báng quá khứ, nhưng để nhìn nhận những sai lầm giúp hậu thế không vấp phải.
Văn hoá đọc chỉ được hình thành khi thói quen được duy trì bền bỉ qua nhiều thế hệ. Sự đứt gãy của văn hoá đọc nước nhà, một phần phát xuất từ thói tự đại coi mình là tinh hoa, không cần dung nạp thêm kiến thức.
Bởi vậy, muốn có một dân tộc đọc sách thì điều kiện tiên quyết là trong mỗi gia đình phải có thư viện/tủ sách. Trẻ em phải được đọc sách từ sớm, thường xuyên để hình thành thói quen.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất miệt mài đọc sách. Người từng coi sách là “thuốc chữa tội ngu”, và xác tín “Sách là thuốc bổ tinh thần”. Trong tác phẩm “Nhật ký chìm tàu”, Bác viết trong lời mở đầu: “Độc thư bất vong cứu quốc/Cứu quốc bất vong độc thư”, nghĩa là: “Đọc sách không quên việc cứu nước/Cứu nước không quên việc đọc sách”.
Ngày nay, nếu người lớn đọc sách – trẻ em sẽ theo gương. Còn ngược lại, không chỉ mang tiếng người Việt lười đọc, mà chắc chắn đời con cháu chúng ta vẫn mãi tụt hậu về tri thức.