Theo chia sẻ của Thùy Linh, mỗi năm trường Đại học Ngoại thương sẽ có những đợt trao đổi sinh viên với các trường ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Có một danh sách các trường để sinh viên nộp hồ sơ ứng tuyển dựa vào các tiêu chí: GPA (điểm học lực trung bình) cao, có chứng chỉ ngoại ngữ. Sau đó, trường sẽ cử sinh viên trao đổi sang trường khác học trong khoảng thời gian 6 tháng.
“Do tình hình dịch bệnh trong 2 năm qua diễn biến phức tạp nên trường mình không cử sinh viên đi học trao đổi. Năm nay, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, mọi thứ trở lại bình thường thì có rất nhiều bạn đăng ký. Mình may mắn đã trúng nguyện vọng 1 vào trường Đại học Quốc gia Yokohama”, Linh chia sẻ.
Là một người hướng ngoại, Thùy Linh đã có mong muốn đi du học từ trước khi bước chân vào đại học. Chính vì vậy, từ năm nhất, cô sinh viên trẻ đã cố gắng trau dồi bản thân và học tiếng Nhật. Tuy nhiên, do Covid - 19 nên Linh đã phải gác lại dự định đến năm ba mới có thể thực hiện.
“Bản thân mình là một người ưa sự va chạm, muốn tiếp xúc với nhiều môi trường, gặp gỡ nhiều người và tìm hiểu cái mới. Đặc biệt, mình rất thích học ngoại ngữ. Chính vì vậy, mình nghĩ du học sẽ đem lại những trải nghiệm thú vị để nâng cao kiến thức và vốn hiểu biết xã hội”, Thùy Linh thổ lộ.
Là một sinh viên khoa Kinh tế của trường Đại học Ngoại thương, Thùy Linh đã quyết định đi du học tại Nhật Bản, bởi bản thân mong muốn được tìm hiểu thêm về cách vận hành của một trong những nền kinh tế đứng đầu thế giới. Đồng thời, nền giáo dục ở Nhật luôn nổi tiếng với tính ứng dụng cao, cho nên Linh muốn tự mình trải nghiệm.
“Khi ở Việt Nam, mình luôn nghĩ Nhật Bản là một quốc gia không ngủ, phồn hoa đô thị nhưng với thành phố mình ở lại không như vậy. 20h30 các cửa hàng đã đóng cửa và trường mình ở trên một quả núi cao nên việc mua sắm, di chuyển khá xa và khó khăn”, Linh cho biết.
Với Linh, Nhật Bản là một quốc gia quy củ, nhịp sống nhanh, giống như một chiếc hộp có vẻ bề ngoài yên bình, không ồn ào nhưng bên trong lại vận hành như một guồng quay, mọi thứ rất vội vã.
Như những sinh viên trao đổi khác, Thùy Linh cũng gặp phải nhiều khó khăn như: bất đồng ngôn ngữ, phương tiện di chuyển, đồ ăn không hợp khẩu vị và đặc biệt là cách sử dụng tiền xu. “Ở Nhật, tiền giấy không có nhiều mệnh giá và tiền xu được sử dụng khá nhiều. Mình đã phải học cách tiêu tiền xu để tránh phải cầm những đồng có giá trị thấp, vừa nặng và không có tính ứng dụng cao”, Linh nói.
Bên cạnh đó, nền giáo dục của Nhật Bản cũng khác so với Việt Nam. Thùy Linh chia sẻ: “Các thầy cô sẽ hướng dẫn cho mình cách suy nghĩ và mình phải tự học, tự thực hành. Việc chấm điểm dựa vào cả quá trình học, chứ không phải thi. Mỗi ngày sẽ chấm điểm dựa vào việc làm bài tập, hoạt động nhóm, tính chuyên cần, sau đó khi hết kỳ sẽ cộng vào làm điểm kết thúc”.
Linh cho biết sinh viên trao đổi là những người đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau và thời gian học tập ở đây không lâu nên đa số sẽ có thiên hướng trải nghiệm, có nhiều buổi tụ tập, đi chơi, khám phá văn hóa Nhật Bản.
Trong quá trình học tập tại trường Đại học Quốc gia Yokohama, các sinh viên sẽ có cơ hội chia sẻ về quốc gia mình như: văn hóa, ngôi trường đang học,...
"Chúng mình được trải nghiệm làm takoyaki và các món ăn truyền thống của Nhật, được các bạn sinh viên bản địa giới thiệu văn hóa, đất nước, con người, cũng như giao lưu, trải nghiệm, khám phá những địa điểm nổi tiếng như: bảo tàng, thành phố Tokyo,.....", Linh có biết thêm.
Thùy Linh chia sẻ: “Mình sang Nhật vào đúng Tuần lễ vàng nên được nghỉ học. Vì quá háo hức nên mỗi ngày mình chỉ ngủ 3 tiếng, còn lại dành thời gian đi khám phá. Thời tiết ở Nhật hơi thất thường nhưng bù lại có rất nhiều địa điểm vui chơi, tham quan đẹp, đặc biệt không khí rất trong lành”.
Do dịch Covid - 19 nên Linh đã học trực tuyến ở nhà 1 tháng trước khi sang Nhật. Đến tháng 9, cô sinh viên trao đổi sẽ quay về Việt Nam để làm khóa luận tốt nghiệp ở trường Đại học Ngoại thương bởi đã hoàn thành hết chương trình học. Thùy Linh dự định sẽ học tiếp lên Thạc sĩ ở nước ngoài và đang trong giai đoạn làm hồ sơ.