Nếu không hạn chế số lượng giải dẫn đến tình trạng có nhiều HS giỏi môn Tiếng Anh. Điều này lại tạo nên sự bất bình đẳng khác khi HS tham gia xét tuyển ĐH, vì đa số trường ĐH hiện có phương thức tuyển sinh xét tuyển, trong đó có ưu tiên chứng nhận HS giỏi. Chưa kể có thể dễ dẫn đến tình trạng HS đổ xô đi học IELTS tại các trung tâm luyện thi” - thầy Nguyễn Văn Quyết nêu quan điểm.
Ngoài ra sẽ dễ dẫn đến tình trạng lợi ích nhóm khi các em HS đổ xô đi học IELTS tại các trung tâm luyện thi cũng như dạy thêm học thêm tràn lan vì nội dung học và thi không nằm trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.
Chia sẻ ý kiến cá nhân, ThS Nguyễn Thị Huyền Châu, giảng viên tiếng Anh, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, cho rằng: Kỳ thi IELTS và thi HS giỏi cấp tỉnh chưa có sự tương đồng về cấu trúc, cũng như cách đánh giá bài thi. Ngoài ra, cần cân nhắc đến yếu tố luyện thi, vì không phải mọi HS đều có điều kiện tham gia thi IELTS. Trong khi đó, những gia đình khá giả có thể cho con thi vài lần để cải thiện kết quả, nên việc công nhận này vẫn có phần thiệt thòi cho một số thí sinh.
Ảnh minh họa/ INT |
ThS Trần Thị Thu Giang, nguyên Trưởng khoa Ngoại ngữ Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, thì cho rằng: Việc Hà Tĩnh công nhận đặc cách HS giỏi Tiếng Anh cấp tỉnh theo điểm thi chứng chỉ IELTS được thực hiện từ năm học 2017 - 2018. Thống kê từ tin tức báo chí, số lượng HS được công nhận năm nay cao hơn năm trước. Điều đó, chứng tỏ xã hội đã dần thích ứng với quyết định này.
“Nhìn sự việc từ nhiều góc độ, có thể thấy: Các lãnh đạo giáo dục của tỉnh Hà Tĩnh đã nỗ lực đưa nghị quyết vào cuộc sống. Quá trình thực hiện là theo đề án đã được phê duyệt. Vậy nếu có gì chưa đạt thì cần xem lại cả đề án và quá trình thực hiện. Trong một số bài báo thấy dùng các từ “thí điểm”, “đề án”… Vậy thực tế, nếu là thí điểm hay đề án thì thời gian kết thúc là bao giờ? Đến khi nào được công nhận chính thức? Nếu chỉ là thí điểm hay đề án thì danh hiệu HS giỏi cấp tỉnh qua đặc cách xét tuyển có được phép sử dụng khi xét tuyển vào ĐH không?” - ThS Trần Thị Thu Giang đặt câu hỏi.
Về góc độ chuyên môn, ThS Trần Thị Thu Giang nêu quan điểm, cần thêm nhiều thông tin để có thể đưa ra nhận xét khách quan. Ví dụ, trước khi thực hiện đề án, tỉnh Hà Tĩnh có bao nhiêu HS giỏi Tiếng Anh và tỷ lệ giải Nhất, Nhì, Ba qua các kỳ thi (để so sánh với con số HS giỏi của 5 năm gần đây khi thực hiện đề án). Bên cạnh đó, theo đề án thì IELTS được sử dụng để “đặc cách công nhận”. Vậy không rõ tỉnh có nghiên cứu đối sánh hai bài thi để công nhận các thí sinh theo mức điểm công bằng hay không? Lãnh đạo ngành Giáo dục tỉnh cũng từng có ý kiến rằng, bài thi HS giỏi không có phần thi nói, còn bài thi IELTS có đủ 4 kỹ năng. Vậy việc bổ sung phần thi nói có phải là điều không thể đối với kỳ thi HS giỏi ở tỉnh này?...
Cô Đinh Thái Hà, giáo viên Tiếng Anh Trường THPT Lương Sơn (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) thể hiện quan điểm không đồng tình nếu tính tương đương kết quả hai kỳ thi. Bởi như vậy sẽ bất lợi cho HS ở vùng không có điều kiện học IELTS. Bên cạnh đó, HS sẽ không tham gia ôn, dự thi HS giỏi cấp tỉnh nữa mà ôn IELTS để đạt nhiều mục đích khác nhau, như xét kết quả cho thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển vào các trường ĐH.
Mặc dù 2 kỳ thi đều đánh giá 4 kỹ năng, nhưng các câu hỏi IELTS với nội dung phổ biến và kỹ năng đòi hỏi với tiêu chí cụ thể. Kỳ thi chọn HS giỏi, nội dung câu hỏi đều chuyên sâu, mức phân tích và tổng hợp cao. Các cấu trúc kiểm tra trong thi HS giỏi thường là đặc biệt, chứ không kiểm tra mức thông thường hay phổ biến gần gũi. Ngoài ra, người tham gia thi IELTS có thể thi nhiều lần. Nếu không đạt lần đầu, học sinh có thể đăng ký thi ở những lần tiếp theo cho đến khi đạt. Trong khi đó, thi HS giỏi, HS chỉ được thi một lần, xét đạt cũng có giới hạn vì thường theo số lượng nhất định và theo thứ tự từ trên xuống. - Cô Đinh Thị Ngọc Hân