Nhóm giảng viên mỹ thuật cùng biến ảo với nghệ thuật từ đất

Trần Hoà | 11/11/2022, 09:19
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

5 giảng viên Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp cùng biến ảo với đất và ra mắt công chúng hơn 80 tác phẩm trong triển lãm 'Sành'.

Triển lãm “Sành” diễn ra tại Sảnh A, Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp (360 Đê La Thành, phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa - Hà Nội) đến hết ngày 16/11. Ngoài mục đích ra mắt các tác phẩm nghệ thuật, triển lãm cũng là dịp hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).

Cùng khám phá vẻ đẹp của gốm

Hơn 80 tác phẩm gốm của 5 tác giả đều là giảng viên mỹ thuật đang thu hút đông đảo giới sinh viên, giới nghệ thuật và công chúng yêu gốm Hà Nội. Trong số 5 tác giả, họ đều là họa sĩ từng tham gia nhiều cuộc trưng bày uy tín trong và ngoài nước, đạt được nhiều giải thưởng nghệ thuật gốm.

Đó là họa sĩ Phan Thanh Sơn - Khoa Mỹ thuật truyền thống, từng có 4 triển lãm cá nhân mang chủ đề “Chơi đất”, họa sĩ Ngô Bá Hoàng - Khoa Trang trí nội ngoại thất, họa sĩ Vũ Hữu Nhung - Khoa Trang trí nội ngoại thất cũng là người gây dựng thương hiệu gốm Phù Lãng, họa sĩ Hoàng Văn Tùng - Khoa Trang trí nội ngoại thất và họa sĩ Lê Văn Khuy - Khoa Mỹ thuật cơ sở.

Họa sĩ Phan Thanh Sơn cho biết, tựa đề triển lãm tái hiện chặng đường dài sáng tạo trên các chất liệu khác nhau. Với “Sành”, nhóm tác giả muốn đưa công chúng khám phá vẻ đẹp của gốm.

Nếu như đất nung phô diễn được sức mạnh của hình khối với sắc đỏ đặc trưng của mình, sứ thể hiện được cái mỹ miều yểu điệu sau cùng của nghệ thuật gốm, thì sành hàm chứa trong nó cả một hành trình trong sự chuyển mình của nghệ thuật gốm. Từ đất nung đến sứ, từ vẻ mộc mạc chân chất của sành nâu, đến sự biến ảo khôn lường của hình khối trong cái sâu thẳm của lớp men trên sành trắng.

“Sành” là tên cuộc triển lãm nghệ thuật gốm của chúng tôi, những họa sĩ, giảng viên từ nhiều chuyên ngành khác nhau, nhưng cùng chung một nỗi niềm với nghệ thuật gốm, cùng bị những vực xoáy nóng bỏng của đất - nước - lửa kéo vào dòng sông vô định của nghệ thuật gốm”, họa sĩ Phan Thanh Sơn cho hay.

Trong cái hữu hạn sắc thái biểu hiện khác nhau của “Sành”, mục đích sau cùng của nhóm nghệ sĩ là để những gì thuộc về gốm sẽ tự nói lên câu chuyện của riêng mình. Bởi ẩn sâu trong câu chuyện gốm là lời tự sự của những kẻ độc hành trong sự mênh mông vô định nghệ thuật, để sau “Sành” của năm 2022, những thách thức mới lại trở thành động lực cho các cuộc du ca của sành tiếp sau.

Nhóm giảng viên mỹ thuật cùng biến ảo với nghệ thuật từ đất ảnh 1
Gốm của hoạ sĩ Lê Văn Khuy.

Sự kỳ diệu của hỏa biến

Sinh viên mỹ thuật và giới nghệ sĩ gốm không còn lạ với tên tuổi họa sĩ Phan Thanh Sơn. Ngoài công việc giảng viên, truyền cảm hứng cho các lứa sinh viên mỹ thuật - anh còn được biết tới bởi tài năng và độ “chịu chơi” trong nghệ thuật.

Cuối năm 2019, Phan Thanh Sơn có triển lãm lần 4 thể hiện sự tự do, phóng khoáng - khi vượt khỏi những công thức mặc định về men, màu và đất. Đó là triển lãm “Chơi đất 4” với gần 100 tác phẩm gốm tranh tượng - thể hiện vẻ đẹp của hoa sen, người phụ nữ bằng những thể nghiệm mới trong nghệ thuật thếp vàng.

“Thếp vàng vốn không phải là một kỹ thuật mới, thường được sử dụng với các sản phẩm mỹ nghệ. Tuy nhiên, tôi dùng kỹ thuật này với tranh tượng gốm nhằm tạo ra sự hòa quyện giữa mỹ thuật hiện đại và mỹ nghệ truyền thống” - họa sĩ Phan Thanh Sơn chia sẻ.

“Chơi đất” thể hiện khá rõ tinh thần và tâm thế nghệ sĩ trong nghệ thuật. Khi coi đó là một cuộc chơi, nghệ sĩ sẽ thoải mái tràn đầy hứng khởi sáng tạo, không bị gò bó đóng khung trong những ý niệm cũ. Dẫu vậy, sự phóng khoáng vẫn phải dựa trên nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật tạo hình.

Nhóm giảng viên mỹ thuật cùng biến ảo với nghệ thuật từ đất ảnh 2
Tác phẩm của họa sĩ Phan Thanh Sơn.

Đến với cuộc biến ảo “Sành” lần này, nét khắc hoạ của Phan Thanh Sơn vẫn là phụ nữ. Thế nhưng nếu tinh, người xem vẫn thấy có sự khác biệt giữa những bức tượng phụ nữ gợi hình, gợi cảm xúc. Trong con mắt của họa sĩ, hình ảnh người phụ nữ đa trạng thái, và sắc thái nào cũng đáng yêu.

Trong “Sành”, 5 họa sĩ ở những chuyên ngành khác nhau đem đến những phong cách và cá tính rất riêng, để từ đó công chúng có thể tự khám phá ra những nét đẹp ẩn sâu trong gốm.

Cụm tác phẩm “Túi sách” của Vũ Hữu Nhung khai thác vốn dân gian, rút kinh nghiệm từ những gì đã có. Nghệ sĩ cho biết quá trình nung cũng phụ thuộc vào sự may mắn, chính là câu chuyện hỏa biến.

Nhóm giảng viên mỹ thuật cùng biến ảo với nghệ thuật từ đất ảnh 3
Tác phẩm 'Túi xách' của họa sĩ Vũ Hữu Nhung.

Ở các lò truyền thống thường có hiện tượng bay men, nhưng khi nung đốt tự nhiên thì men từ chum vại và các đồ khác bay sang, bám vào thì tạo thành các sản phẩm tự nhiên và nghệ sĩ không thể làm lại cái thứ hai.

Vũ Hữu Nhung sinh ra tại làng gốm sành Phù Lãng (Bắc Ninh), làng nghề cổ đã hàng trăm năm tuổi. Vào tháng 5/2022, anh cùng các họa sĩ Lê Thiết Cương, Lê Minh Trí, Lê Ngọc Thuận cùng mở triển lãm “Con giống”. Cũng là khai thác truyền thống nhưng anh chỉ lấy chất liệu, kỹ thuật, lò bễ, than củi, men thuốc, đất, nước, lửa... còn tư duy tạo hình thì hoàn toàn hiện đại.

Các tác phẩm tại triển lãm lần này được sáng tác với chất liệu sở trường là sành Phù Lãng. Vũ Hữu Nhung khai thác vốn dân gian từ những con ngựa gỗ, ngựa đá, ngựa gốm, ngựa giấy. Đồng thời thêm bớt khéo léo khiến tác phẩm thấp thoáng yếu tố dân gian nhưng vẫn hài hòa và mới lạ.

“Sành” là triển lãm nghệ thuật gốm đặc biệt của nhóm giảng viên - họa sĩ - nhà điêu khắc. Đa dạng phong cách đã tạo nên sự thú vị, sinh động và ấm áp. Các tác phẩm được khơi nguồn cảm hứng từ những câu chuyện đời thường, thăng hoa bởi sức sáng tạo và bàn tay tài khéo, để khi hiện diện trong triển lãm lại lan tỏa tình yêu cuộc sống – đó chính là những giá trị mà nghệ thuật mang lại”.

Họa sĩ Phạm Hùng Cường, Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp.

Bài liên quan
Hoạ sĩ Nguyễn Thu Hương mở triển lãm tranh lụa lần thứ 3
Hoạ sĩ Nguyễn Thu Hương sắp có triển lãm cá nhân lần thứ 3 mang chủ đề ‘Hương”, với những bức tranh lụa cực thơ và cực mộng.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhóm giảng viên mỹ thuật cùng biến ảo với nghệ thuật từ đất