Tuy nhiên, từ ngày 4/6/2021, khi bản Tân Sơn không thuộc vùng III nữa, thì HS không còn được hỗ trợ bảo hiểm y tế. Vì thế, nhà trường không có giải pháp gì để hỗ trợ các em.
“Đối với sách vở đầu năm học cũng như tạo sân chơi bổ ích cho HS, ngoài việc Nhà nước cấp trang thiết bị, đồ dùng học tập theo Chương trình GDPT mới, thì nhà trường và GV vận động, quyên góp từ các nguồn xã hội hóa, để xây dựng thư viện xanh.
Hiện nay, trường Tiểu học Thanh Xuân có 4 điểm trường (trong đó có 3 điểm lẻ, 1 điểm chính), đều đã có thư viện xanh, giúp học trò có nơi vui chơi, đọc sách vào những giờ ra chơi, giờ ngoại khóa”, thầy Viên chia sẻ.
Những món quà từ thiện (gạo và quần áo) được Báo GD&TĐ kêu gọi trao tặng điểm trường Tân Sơn. Ảnh: TL. |
Cũng theo thầy Viên, giảm nghèo bền vững là mục tiêu của Đảng, Nhà nước đang hướng tới. Tuy nhiên, hiện tại ở huyện vùng cao Quan Hóa nói chung và xã Phú Xuân cũng như bản Tân Sơn nói riêng vẫn đang còn rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, người dân ở đây đang có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo rất cao, chưa thể ngày một, ngày hai mà thoát nghèo được. Do đó, HS ở đây cũng đang phải chịu cảnh nghèo khó do điều kiện kinh tế của gia đình.
Đi xin cơm, gạo cho học trò
Thực hiện Chương trình GDPT 2018, HS được học 2 buổi/ngày, điểm trường Tân Sơn thực hiện dạy học 7 - 8 buổi/tuần. Nhiều HS thường ở lại buổi trưa để học tiếp buổi chiều.
Do quãng đường đi lại khó khăn nhất là vào mùa mưa, mùa Đông giá lạnh và những ngày hè nắng nóng gay gắt, phụ huynh thường cho con mang theo cơm cùng thức ăn đến trường, hoặc trực tiếp hay gián tiếp đưa cơm cho học sinh ăn buổi trưa tại điểm trường Tân Sơn. Thầy, cô giáo cũng mua thêm thức ăn cho các em và cùng mọi người ăn trưa tại trường để tiếp tục dạy học buổi chiều.
Bà đưa cơm cho cháu ăn trưa tại lớp ở điểm trường Tân Sơn. Ảnh: TL. |
Với mục đích giúp học trò vợi bớt khó khăn, vất vả, Ban giám hiệu và tập thể GV nhà trường đã đồng lòng, quyết tâm “đi xin cơm, áo” cho học trò. Để làm được điều này, nhà trường đã làm Tờ trình đề nghị Phòng GD&ĐT Quan Hóa, UBND huyện phê duyệt kế hoạch vận động tài trợ, xã hội hóa nguồn lực cơ sở vật chất, thiết bị trường học, thiết bị bán trú của các đơn vị, tổ chức, cá nhân.
“Khi Tờ trình của nhà trường được cấp trên phê duyệt, chúng tôi đã kêu gọi các tổ chức thiện nguyện, như: Dự án nuôi em Thanh Hoá, bạn bè, cán bộ, giáo viên và đặc biệt là Báo GD&TĐ đã đưa tin, viết bài kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay xây dựng bán trú, hỗ trợ suất ăn, hỗ trợ gạo cho các em”, thầy Lê Văn Sức chia sẻ.
Trước khi khôi phục bếp ăn và ngủ bán trú, nhà trường tổ chức họp phụ huynh để thống nhất suất ăn và việc đóng góp hằng ngày. Phụ huynh phải làm đơn tự nguyện cho con tham gia ăn bán trú. Nhà trường hướng dẫn cho phụ huynh tự thuê chọn người nấu ăn. Nhà trường chịu trách nhiệm đến chất lượng thức ăn, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Thầy Đặng Xuân Viên, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, việc tổ chức bán trú cho HS thực ra hoàn toàn không khó. Bởi, các em rất hào hứng, phụ huynh sẵn sàng tham gia hỗ trợ nấu ăn, chăm sóc cho con, em tại trường. Với quan điểm HS nơi đây chỉ cần ăn no, ngủ ngon, nên bữa cơm của các em chỉ với 15.000 đ/suất (bao gồm: Cơm trắng, thức ăn mặn, canh rau…).
Thông qua các tiết học trải nghiệm, thầy cô hướng dẫn HS biết tự nhặt rau, rửa bát, tự nhận khẩu phần ăn, tự ăn, tự dọn vệ sinh trước và sau bữa ăn. Đôi khi, nhà trường cũng cho học sinh trải nghiệm nấu các món ăn thông thường như cơm, canh, chế biến thịt, cá…
Thầy Đặng Xuân Viên, Hiệu trưởng nhà trường là người đã dành hết tâm huyết để "đi xin cơm" cho học trò của mình. Ảnh: TL. |
"Từ khi bán trú hoạt động trở lại đến nay, HS đi học rất chuyên cần, chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt, đó là điều mà tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường cảm thấy rất hạnh phúc”, thầy Viên bộc bạch.
Cũng theo thầy Viên, về nguồn kinh phí vận động chắc chắn là sẽ rất khó khăn, nhưng trước mắt vẫn là điều kiện có đến đâu thực hiện đến đó. Thời gian qua, cũng có những cá nhân, gia đình hảo tâm tặng gạo, tặng tiền hỗ trợ mua thức ăn thêm cho các em.
Với cách làm như vậy, đến nay tại khu trường chính và 2 điểm ở bản Giá, bản Vui- Trường Tiểu học Thanh Xuân đã xây dựng được nhà bán trú, bếp ăn cho học trò. Hiện, Ban giám hiệu và tập thể giáo viên trường chúng tôi đang tiếp tục phát huy cách làm nêu trên, để sớm có bếp ăn bán trú cho học sinh tại điểm trường Tân Sơn, để không còn cảnh “nắm cơm treo cửa lớp” như từ trước đến nay vẫn diễn ra.
“Giải pháp để tạo sinh kế cho người dân nơi đây giảm nghèo bền vững, thì cần có sự hỗ trợ của Nhà nước cho bà con đồng bào về phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhưng, để phát triển được kinh tế hộ gia đình, thì phải được vay vốn ưu đãi của Nhà nước, được hỗ trợ đào tạo nghề, tức là tạo cho họ “cần câu”, chứ không phải giúp cho họ “con cá”.
Và, khi họ có “cần câu” rồi thì phải có nơi để “câu cá”, tức là địa phương sở tại phải có nhà máy, khu công nghiệp, ngành nghề chế biến....phù hợp để giúp họ vào làm việc, có thu nhập ổn định hàng tháng. Bởi lẽ, dù bà con ở rừng, nhưng lại thiếu đất sản xuất, không có nghề phụ và đặc biệt không có đất rừng (tư liệu sản xuất) để có thể tạo ra giá trị kinh tế..., giúp họ tự vươn lên thoát nghèo”, thầy Đặng Xuân Viên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa).