Bà Lee Kyungmee - Giảng viên về Học tập Nâng cao Công nghệ, Đại học Lancaster (Anh) cho biết, khi các hạn chế phòng dịch đã được dỡ bỏ, nhiều trường đại học bắt đầu trở lại hình thức giảng dạy trực tiếp. Tuy nhiên, sẽ tuyệt vời hơn khi các trường đại học ứng dụng những bài học kinh nghiệm trong đại dịch vào hiện tại. Theo bà Lee Kyungmee, các trường đại học nên tiếp tục khuyến khích, giúp các giảng viên sáng tạo, cũng như linh hoạt trong cách thiết kế khóa học và tương tác với sinh viên.
Duy trì sự gắn kết
Khi giảng dạy trực tuyến, giáo viên dành nhiều thời gian và nỗ lực để kết nối, cũng như giao tiếp với người học. Sự đoàn kết và thông cảm đã xuất hiện giữa giảng viên và sinh viên, khi họ cùng nhau trải qua cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Đồng thời, các giảng viên cho biết, họ cảm thấy căng thẳng khi giảng dạy trực tuyến. Khi các tương tác trong lớp học trực tiếp trở lại, sự đoàn kết giữa giảng viên và sinh viên cần được tiếp tục coi trọng.
Linh hoạt
Trong thời gian đại dịch, các giảng viên nhanh chóng nhận ra rằng, rất khó để sinh viên tập trung học trực tuyến. Một phương pháp được áp dụng là chia việc giảng dạy thành nhiều hoạt động nhỏ, như: bài giảng ngắn, thảo luận nhóm, thăm dò ý kiến trong lớp.
Theo bà Lee, phương pháp này cũng có thể được áp dụng cho việc giảng dạy trực tiếp. Thực tế, sinh viên vẫn cảm thấy khó tập trung trong các bài giảng kéo dài hai giờ, nếu giảng viên không thu hút được người học.
Ngoài ra, các kỹ năng công nghệ trong đại dịch cũng giúp giảng viên được trang bị tốt hơn. Do đó, giảng viên có thể mang lại không gian học tập “kết hợp”, nơi các hoạt động ngoại tuyến và trực tuyến được đan xen.
Hiểu sự bất bình đẳng
Đại dịch đã nhấn mạnh rằng, điều kiện học tập của các sinh viên không bình đẳng. Do đó, theo bà Lee, khiến mọi sinh viên được tiếp cận với giáo dục là một nguyên tắc thiết yếu trong giảng dạy đại học. Học trực tuyến có thể giúp giải quyết vấn đề này bằng cách loại bỏ một loạt các hạn chế về thể chất có thể khiến học sinh không thể tới trường.