Ông Austin trước đó đã thông báo cho người đồng cấp Israel, Yoav Gallant về “ những nỗ lực đang diễn ra nhằm tiếp tục chuyển giao năng lực phòng không và đạn dược cho Lực lượng Phòng vệ Israel ”.
Các chiến binh của Mặt trận Al-Nusra.
Cùng với Mỹ, một thành viên NATO khác đang có sự hiện diện quân sự rất lớn ở Trung Đông là Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia này cũng được coi là có khả năng can thiệp nếu chiến tranh leo thang và đặc biệt nếu lực lượng chính phủ Syria hoặc các nhóm dân quân có trụ sở tại Syria tiến vào Israel.
Ngoài Israel, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia duy nhất tham gia các hoạt động chiến đấu chống lại Hezbollah kể từ những năm 1980. Hiện quốc gia này đang hậu thuẫn cho các nhóm vũ trang hoạt động ở miền bắc Syria, trong đó đáng chú ý nhất là Mặt trận Al Nusra và Đảng Hồi giáo Đông Turkestan.
Những lực lượng dân quân này đi đầu trong các nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây nhằm lật đổ chính phủ Syria trong những năm 2010, trong khi đó Hezbollah, Iran và Nga đã giúp chính phủ Syria đẩy lùi lực lượng này. Sau khi thất bại, các chiến binh do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuận đã lui về một vùng đất nằm giữa biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ để hoạt động.
Đặc phái viên Mỹ tại liên minh chống Nhà nước Hồi giáo, Brett H. McGurk trước đây đã nhấn mạnh rằng “ Tỉnh Idlib (ở Bắc Syria giáp Thổ Nhĩ Kỳ) là nơi trú ẩn an toàn lớn nhất của Al Qaeda kể từ vụ 11/9 ”, lực lượng phiến quân thánh chiến đóng tại đó có số lượng đông đảo, lên tới hàng chục nghìn người.
Những lực lượng này thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của không quân và pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ khi giao chiến với Quân đội Syria hoặc các đồng minh của họ.
Do đó, mối nguy hiểm từ Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm chiến binh dưới ảnh hưởng của nước này là một trở ngại nghiêm trọng đối với khả năng hành động của Syria, Hezbollah và các bên khác, thậm chí còn đáng lo hơn cả sự hiện diện của các nhóm tàu sân bay Mỹ. Hiện Ankara vẫn xác định việc lật đổ chính phủ Syria - đồng minh với Hezbollah là một trong những mục tiêu chính của mình.
Một căn cứ UAV của Iran.
Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Hezbollah và Syria, khả năng Iran can thiệp vào cuộc xung đột này là không thể bị loại trừ, đặc biệt nếu Mỹ liên quan trực tiếp đến các cuộc đụng độ leo thang giữa Hezbollah và Israel.
Đáng chú ý, sức mạnh không quân của Iran có thể đóng một vai trò quan trọng trong cuộc xung đột trong khi họ không cần triển khai lực lượng mặt đất. Những chiếc máy bay không người lái của Iran cho đến nay vẫn được coi là đáng gờm nhất trong khu vực và minh chứng rõ nhất là chúng đã từng xâm nhập một cách bí mật vào không phận Israel.
Khả năng chống tàu chiến của Iran cũng có thể gây ra những khó khăn cho các hoạt động của Hải quân Mỹ. Ngoài ra, tên lửa đạn đạo của Iran cũng là một mối đe dọa, chúng có tầm bắn vươn tới tất cả các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực và các địa bàn hoạt động của các nhóm thánh chiến được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Tuy nhiên, bất chấp việc nhiều bên có thể tham gia can thiệp vào cuộc chiến hiện tại, thì vẫn có nhiều ý kiến cho rằng các hoạt động quân sự sẽ vẫn chỉ giới hạn trong các vùng lãnh thổ mà Israel và Hamas tuyên bố chủ quyền.
(Military Watch)