Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một phụ nữ hoàng gia Ai Cập tuyên bố trở thành vua. Lý do đơn giản là không người đàn ông nào trong hoàng gia có thể đảm nhận chức vụ đó.
Khi lên ngôi, Neferusobek dành nhiều tuần để thực hiện các hoạt động trong đền thờ, thực hiện nghi lễ để có được sức mạnh tối cao từ thần linh.
Thời điểm đó, mọi người đều thống nhất rằng "nữ hoàng" không phải danh hiệu thích hợp cho Neferusobek. Vì thế, bà được đặt cho những cái tên được nữ tính hóa như Cô gái của cây cói, Con ong, Tình nhân của hai vùng đất, Con gái của Re.
Không để phí thời gian, ngay khi lên làm vua, Neferusobek đã bắt tay vào việc bảo vệ vương triều. Hình ảnh của bà được đặt trong các ngôi đền trên khắp Ai Cập. Hiện nay, các nhà khoa học tìm thấy ba bức tượng của bà ở Tell el Dab'a - vùng đồng bằng phía đông Ai Cập. Tuy nhiên, những bức tượng này không còn giữ được trọn vẹn gương mặt của nữ pharaoh.
Trong năm thứ 3 Neferusobek trị vì, sông Nile trải qua một đợt hạn hán, đẩy Ai Cập đến bờ vực thảm họa vì mùa màng thất bát, nạn đói hoành hành. Khi đó, Neferusobek quyết định mở kho ngũ cốc của hoàng gia để cung cấp cho người dân.
Tượng của Neferusobek được tìm thấy trong tình trạng mất đầu hoặc bị vỡ ở vùng mặt. Ảnh: Musée du Louvre. |
Thời gian đó, mọi người bắt đầu bàn tán và dự đoán rằng Neferusobek có thể là người cuối cùng trong gia đình nắm quyền, và một triều đại mới sẽ sớm xuất hiện.
Dự đoán của mọi người đã đúng. Chỉ sau 3 năm, 10 tháng và 24 ngày, triều đại của Neferusobek đột ngột kết thúc vì bà qua đời. Cái chết của nữ pharaoh cũng đặt dấu chấm hết cho dòng tộc của bà - một trong những dòng tộc cầm quyền vĩ đại nhất của Ai Cập.
Đến nay, lý do cái chết của Neferusobek vẫn là một câu hỏi mở. Một số nhà Ai Cập học cho rằng bà bị sát hại để chiếm lấy vương quyền. Nhưng việc bà nắm quyền cai trị trong hơn 3 năm mà không bị người dân phản đối đã chứng minh điều ngược lại.
Về phía người dân Ai Cập, họ cũng rất biết ơn những điều Neferusobek đã làm cho họ. Người dân coi trọng bà, lưu giữ tên tuổi của bà trong danh sách các vị pharaoh của Ai Cập cổ đại. Bà không bị coi là kẻ ngoại lai hay bị phân biệt đối xử vì giới tính.
Đến những ngày cuối đời, khi đất nước lâm nguy vì hạn hán, nữ pharaoh vẫn ra sức bảo vệ và chăm lo cho người dân. Chính những điều đó là lý do khiến bà được vinh danh.