Nữ văn sĩ Linda Lê: Lặng lẽ đi vào văn học, đột ngột rời bỏ thế gian

Trần Hoà | 11/05/2022, 15:02
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Là một nhà văn di dân viết bằng tiếng Pháp, Linda Lê được đánh giá là văn sĩ gốc Việt số 1 ở Pháp.

 Nhà văn Linda Lê và dịch giả Dương Tường. Ảnh: IT. Nhà văn Linda Lê và dịch giả Dương Tường. Ảnh: IT.

Dù được giới phê bình văn chương thế giới đánh giá cao, với nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng lớn. Nhưng độc giả Việt biết đến Linda Lê một cách khá khiêm tốn – cũng bởi sự lặng lẽ của các tác phẩm cũng như tính cách của bà.

Nhà văn gốc Việt số 1 ở Pháp

Ngày 10/5, tuần báo Nouvelobs, Francetvinfo, tạp chí văn học En Atant Nadeau, tạp chí AOC và nhiều hãng thông tấn của Pháp đưa tin về sự ra đi đột ngột của nữ nhà văn gốc Việt – Linda Lê.

Nhà nghiên cứu Lý Đợi – một trong những người đầu tiên tham gia xuất bản sách của nữ nhà văn Linda Lê tại Việt Nam - cảm thán: “Linda Lê không chỉ là bậc thầy đáng ngưỡng mộ, với văn tài đặc sắc, gần như dành cả cuộc đời tận hiến cho trang viết. Với nhiều người cầm bút đến từ Việt Nam, chị còn là niềm hy vọng, sự tự tại và nét kiêu hãnh đáng yêu”.

Sự ra đi của Linda Lê không chỉ là cú sốc đối với giới văn nhân Việt Nam tại châu Âu, mà còn là một bất ngờ đối với giới văn chương Pháp. Bởi chỉ cách đây chưa đầy 2 tháng, bà còn tươi tắn cười nói trong buổi ra mắt cuốn sách mới nhất.

Pierre Benetti - người đồng sáng lập tạp chí văn học En Atant Nadeau - cho hay: “Chúng tôi rất buồn và ngỡ ngàng khi hay tin nhà văn, nhà phê bình Linda Lê qua đời. Tác phẩm của cô ấy luôn nhận được nhiều sự đón đọc của độc giả, những nhân vật, câu chuyện trong tác phẩm của cô ấy như đang hiện hữu và đầy chân thật”.

Từ Pháp, nhà văn Vũ Hồi Nguyên chia sẻ, Linda Lê hoàn toàn sống bằng công việc văn chương. Ngoài viết văn thì bà làm việc cho một nhà xuất bản lớn ở Pháp. Ngoài tài năng sáng tác, bà rất giỏi tiếng Pháp, được các tờ báo lớn của nước Pháp đánh giá trình độ tiếng Pháp của bà ở mức sáng tạo ngôn từ tiếng Pháp.

Được đánh giá là nhà văn gốc Việt số 1 tại Pháp, nhưng cuộc sống riêng tư của bà lại nhiều sóng gió. Có lẽ vì thế mà Linda Lê rất lặng lẽ - từ tính tình cho tới cách đưa tác phẩm ra với công chúng. Với bà, viết văn là một công việc để sống – hoàn toàn không nghĩ đến cái danh mà người khác hay tưởng.

Tại Việt Nam, một số tiểu thuyết của Linda Lê đã phát hành và nhận được những nhận xét tích cực: Sự dịu dàng của Ma cà rồng (1986), Tình ca ác quỷ (1989), Phúc âm tội ác (1992), Vu khống (2009), Lại chơi với lửa (2010), Vượt sóng, Tiếng nói, Thư chết… Đặc biệt, cuốn “Gửi đứa con mà tôi sẽ không sinh” viết dưới dạng một lá thư, được đông đảo bạn đọc Việt Nam tìm đọc và chiêm nghiệm.

Ngòi bút tinh tế, khắt khe


Nhà văn Linda Lê.

Linda Lê sinh năm 1963 tại Đà Lạt. Mẹ bà là người xuất thân trong một gia đình khá giả có quốc tịch Pháp. Năm 14 tuổi bà theo gia đình sang Pháp. Và vì say mê văn chương Pháp nên tiếng Pháp của bà rất giỏi.

Những tiểu thuyết của Linda Lê gây kinh ngạc vì sự u tối, văn chương đẹp dị thường và những suy tư ám ảnh. Bà còn là một nhà phê bình văn học nổi tiếng sắc sảo về nhiều nhà văn lớn trong quá khứ.

Phong cách sáng tác của Linda Lê bị ảnh hưởng bởi một số nhà văn phương Tây như Ingeborg Bachmann, Thomas Bernhard. Bà chọn độc giả Pháp là thị trường văn chương của mình, và đồng thời độc giả Pháp cũng dành cho bà chỗ đứng rất cao trong nền văn chương của họ.

Năm 2012, cuốn tiểu thuyết “Lame de fond” (Sóng ngầm) của Linda Lê là một trong bốn cuốn lọt vào vòng chung kết giải Goncourt 2012 - giải thưởng văn chương số 1 tại Pháp. Cuốn sách được dịch và xuất bản tại Việt Nam.

“Sóng ngầm” xoay quanh bốn nhân vật chính: Văn (sinh tại Việt Nam, định cư tại Pháp), Lou (vợ Văn), Laure (con gái của Văn và Lou) và Ulma (người tình và cũng là em gái cùng cha khác mẹ của Văn). 2 giờ sáng, Văn rời khỏi căn hộ của Ulma và bị chiếc xe do vợ anh lái cán chết. Tiểu thuyết bắt đầu bằng độc thoại của Văn trong quan tài và tiếp nối bằng bộc bạch của ba nhân vật nữ còn lại.

Khác với những sáng tác trước đều không xác định mốc thời gian, “Sóng ngầm” lấy bối cảnh là cuộc sống đương đại và giọng điệu mang tính châm biếm, mỉa mai. Linda Lê từng nói rằng, bốn nhân vật chính đều thể hiện một phần hình ảnh của chính mình. Tác phẩm là một thông điệp của bà về hi vọng nối lại mối liên hệ với quê hương Việt Nam.

Thời báo Le Monde (Pháp) từng dành những lời tốt đẹp để viết về nữ nhà văn gốc Việt. Trong sự nghiệp văn chương, Linda Lê đoạt nhiều giải thưởng uy tín ở châu Âu như Fénéon cho tác phẩm Les Trois Parques, giải Wepler cho tác phẩm Cronos... Năm 2019, bà được trao giải thưởng văn học Hoàng tử Monaco.

Giới phê bình cho rằng, các tác phẩm của Linda Lê đi vào văn học một cách lặng lẽ, không ồn ào. Cũng như tính cách ấy, Linda Lê lặng lẽ rời bỏ thế gian một cách đột ngột giữa thời mộng văn chương đang tới hồi chín.

Nếu tạm đồng ý với nhau rằng Nobel văn chương là một thước đo, thì với tôi, trong cộng đồng cầm bút người Việt và cả gốc Việt đương thời, không ai xứng đáng hơn Linda Lê. Thậm chí, việc Nobel văn chương bỏ sót hoặc chưa kịp trao giải cho Linda Lê, đó là sự chậm trễ, thiếu sót không đáng có” - Nhà nghiên cứu Lý Đợi.

Bài liên quan
Nhà văn trẻ Lê Thanh Ngân: Đàn ông làm gì có ai sợ vợ
Nữ nhà văn xinh đẹp Lê Thanh Ngân mới đây đã có bài chia sẻ về “sợ vợ” được nhiều người quan tâm, bình luận.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nữ văn sĩ Linda Lê: Lặng lẽ đi vào văn học, đột ngột rời bỏ thế gian