Phản ứng phụ thường gặp khi người mang thai tiêm vắc-xin Covid-19

VH | 14/09/2021, 16:15
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTD) - Phụ nữ mang thai có thể gặp các phản ứng phụ sau tiêm vắc-xin Covid-19 như người bình thường. Các dấu hiệu thông thường bao gồm sốt, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh...

Bác sĩ Trần Thị Diệu Anh – Khoa sản, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) dẫn chứng, nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới khẳng định virus SARS-CoV-2 không vào buồng ối. Thai nhi trên 13 tuần tuổi là giai đoạn đã, cơ bản hoàn thiện các bộ phận quan trọng trong cơ thể. Do đó, nguy cơ gây dị dạng thai nhi ở giai đoạn này là thấp.

"Việc khám thai trước khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại cơ sở y tế có chuyên khoa sản rất quan trọng để xác định tuổi thai, tình trạng sức khỏe của thai nhi, các điều kiện đáp ứng tiêm chủng đối với thai phụ để đưa ra tư vấn, chỉ định tiêm phù hợp”, chuyên gia cho biết.

Theo bác sĩ Diệu Anh, phụ nữ mang thai khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 có thể gặp các phản ứng phụ như người bình thường. Các dấu hiệu thông thường bao gồm: Sốt, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, tăng cảm giác đau, ngứa, sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, bồn chồn…

phan-ung-sau-tiem-.jpeg
Phụ nữ mang thai thường gặp phản ứng sau tiêm vắc-xin Covid-19 như người bình thường. Ảnh minh hoạ,

Dấu hiệu thông thường diễn biến nặng lên như sốt cao >=39 độ C, sưng/đỏ lan rộng tại chỗ tiêm, đau cơ dữ dội, tăng huyết áp hoặc tụt huyết áp, kẹt huyết áp…

Các phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19 như: Ở miệng (tê quanh môi hoặc lưỡi…), Ở da (Phát ban, môi mẩn đỏ, tím tái hoặc đỏ da…), Ở họng (Ngứa, căng cứng, tắc nghẹn, khản đặc…); Đường tiêu hóa (nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng…); Đường hô hấp (thở dốc, thở khò khè, thở rít, khó thở, cảm giác nghẹt thở, ho…); Toàn thân (mạch yếu, chóng mặt, choáng/xây xẩm, cảm giác muốn ngã, chân tay co quắp…).

Do đó, bác sĩ Trần Thị Diệu Anh khuyến cáo, phụ nữ mang thai cần lưu ý:

- Duy trì chế độ ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, tâm lý thoải mái để có cơ thể khỏe mạnh và đáp ứng miễn dịch tốt nhất sau khi tiêm chủng.

- Sau tiêm chủng, nếu sốt dưới 38,5 độ C có thể cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước, không để nhiễm lạnh, đo lại nhiệt độ sau 30 phút.

- Nếu sốt từ 38,5 độ trở lên hoặc đau mỏi người, đau tại chỗ tiêm, có thể sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường chứa paracetamol theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Trường hợp không hạ sốt hoặc sốt cao > 39 độ C cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.

- Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm cần tiếp tục theo dõi. Nếu sưng to nhanh nên đi khám ngay, tuyệt đối không bôi đắp bất cứ thứ gì lên chỗ sưng đau ở vị trí tiêm (ví dụ: thuốc đắp từ thảo dược, lá cây hay thuốc mỡ…).

- Khi về nhà, phụ nữ mang thai không nên ở một mình ít nhất là trong 3 ngày đầu tiên sau tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. Chủ động theo dõi sức khỏe sau tiêm trong 3 tuần. Kịp thời thông báo cho cán bộ tiêm chủng và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán, xử trí kịp thời những phản ứng nặng, nghiêm trọng.

Bài liên quan
Bộ Y tế: Không đo huyết áp tất cả người đến tiêm vắc-xin Covid-19
(GDTD) - Ngày 10/9, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. Quyết định không yêu cầu đo huyết áp với tất cả người đến tiêm.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phản ứng phụ thường gặp khi người mang thai tiêm vắc-xin Covid-19