Nghi chia sẻ: “Hầu hết các hình tượng mà chúng tôi sử dụng trong dự án này đều được tạo ra bằng kỹ thuật cắt giấy. Chúng tôi chọn kỹ thuật này vì nó tượng trưng cho cách con người đang tàn phá thiên nhiên”.
“Để nhấn mạnh điểm này hơn nữa, chúng tôi đã tạo thêm kết cấu trên bề mặt giấy. Giấy cắt được sử dụng để tạo bóng đen, vốn là nhân vật chính trong dự án này. Bóng tối thường đại diện cho những khía cạnh tiêu cực và trong phim ngắn này, chúng tôi sử dụng bóng tối để làm nổi bật tác động tiêu cực của các hoạt động vô nhân đạo đối với môi trường”, Nghi giải thích thêm.
Vũ chia sẻ rằng trong suốt hành trình thực hiện dự án, hai bạn đã học được nhiều điều mới về cách xử lý ánh sáng, đổ bóng và màu sắc.
“Chúng tôi phải quay trong bóng tối mới có được một số hiệu ứng đặc biệt. Điều nay gây khá nhiều khó khăn cho việc ghi lại cảnh quay”, Vũ nhớ lại.
“Trước và trong quá trình làm việc, chúng tôi gặp phải những vấn đề như thiếu thời gian, chất lượng cảnh quay chưa tốt (phải quay lại) và khối lượng công việc lớn cần phải xử lý. Tuy nhiên, chúng tôi đã tìm ra được cách cải thiện và giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng. Tác phẩm cuối cùng thực sự xứng đáng với công sức mà chúng tôi bỏ ra”.
Thạc sĩ Ricardo Arce-López, Chủ nhiệm bộ môn Thiết kế (Truyền thông số) RMIT, giảng viên Hoạt hình, đã cố vấn cho Nghi và Vũ trong suốt dự án của hai bạn.
Theo ông, chương trình Thiết kế (Truyền thông số) luôn tập trung vào các dự án thực hiện tại studio thực hành, lấy sự hợp tác, tư duy trực quan và học tập qua trải nghiệm làm trọng tâm.
Thạc sĩ Ricardo Arce-López cho biết: Dự án phim ngắn ‘Safari’ cho thấy sức mạnh của tính sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề môi trường. “Tôi đánh giá đây là một thành tựu nghệ thuật và kỹ thuật đặc biệt, đồng thời là một lời nhắc nhở về ảnh hưởng của nạn phá rừng và săn bắn động vật hoang dã”. Ông nói.