Phương pháp giáo dục quyết định tính cách, đối với những đứa trẻ ăn trộm, càng phải đối xử cẩn thận để giúp trẻ từ bỏ hành vi xấu và xác lập thói quen tốt. Giáo dục phải dựa vào lứa tuổi, bởi ở mỗi độ tuổi, trẻ có tâm lí khác nhau dẫn tới lí do ăn cắp cũng khác nhau.
Ở lứa tuổi mẫu giáo, trẻ lấy lấy đồ vì không có khái niệm cái riêng, cái vô ngã. Trẻ cũng chưa hình thành cái tôi. Những phẩm chất đạo đức chưa có. Trẻ dễ lấy đồ của bạn bè. Vào siêu thị, trẻ tự ý lấy những gì mình thích, có khi giấu diếm vì sợ bố mẹ hay người khác không đồng ý. Hành vi ấy của trẻ không thể gọi là ăn cắp. Lúc này, cha mẹ cần giải thích để trẻ hiểu rằng, món đồ của bạn chỉ có thể chơi cùng nhưng không được mang về nhà, vì đó là đồ của người khác, lấy đồ như vậy người khác sẽ rất buồn. Giải thích cho trẻ món hàng trong siêu thị chỉ được lấy khi đã trả tiền. Phải kiên quyết yêu cầu trẻ trả lại đồ. Nếu trẻ đã lỡ ăn bánh kẹo, phải đưa trẻ đến xin lỗi người bán hàng, đưa tiền để trẻ tự thanh toán; chỉ cần như vậy vài lần trẻ sẽ hiểu và từ bỏ hành vi lấy đồ.
Lứa tuổi tiểu học, trẻ đã nhận biết ăn cắp là sai, nhưng hành vi thiếu tự chủ. Hàng ngày cha mẹ nên kiểm tra cặp sách của con. Nếu con có một thứ gì lạ, nhiều khả năng con đã lấy cắp của bạn, thay vì mắng con thì hãy trò chuyện, hỏi xem con sẽ cảm thấy như thế nào nếu như con bị mất một món đồ yêu thích. Ở độ tuổi này, cũng có thể do trẻ cảm thấy không được đáp ứng như bạn bè, nên sẽ ăn cắp tiền của bố mẹ để tiêu vặt, để mua những thứ mình thích.
Lứa tuổi trung học cơ sở, trẻ ít nhiều có tính tự lập, đặc biệt trẻ 10-12 tuổi nếu bố mẹ ít quan tâm, trẻ đã có thể tự lo được cho mình trong cuộc sống. Nhưng trong sâu thẳm, trẻ hay cảm thấy cô độc, rối loạn tâm lí, thường dùng chung đồ của bạn, thậm chí lấy của bạn làm riêng cho mình. Cha mẹ lại nghĩ món đồ ít tiền nên chẳng đáng quan tâm. Lâu dần trẻ hình thành thói quen chiếm đoạt, ăn cắp những thứ mình không có, thậm chí mục đích ăn cắp là để có thứ chia sẻ thu hút nhóm bạn, nhằm có được cảm xúc bù đắp lại sự thiếu thốn từ phía gia đình. Lúc này hành vi ăn cắp khá rõ ràng. Một số cha mẹ chọn cách báo công an. Số khác đánh đập nhiếc móc. Dán nhãn trẻ là đứa “ăn cắp”. Những cách hành xử đó chỉ làm cho trẻ xấu hổ, có suy nghĩ tiêu cực, dẫn tới hành động tiêu cực như trả thù, tiếp tục ăn cắp, làm ngược lại những điều cha mẹ và người lớn mong muốn.
Nhiều năm trước tôi biết một đứa trẻ ở một làng quê, khá thông minh, có rất nhiều biệt tài thiên bẩm. Một lần ăn trộm kẹo của bà hàng xén. Bị phát hiện, bà hàng xém bắt, người lớn hỗ trợ trói đứa trẻ như kẻ ăn trộm gà, dùng dây buộc vào cột điện. Mọi người vây xung quanh. Đứa trẻ vừa run vừa khóc. Một lúc sau, người mẹ xuất hiện, không những đánh mà còn sỉ nhục vì “làm xấu mặt bà”. Chẳng bao lâu sau, đứa trẻ chai lì, bỏ học và tiếp tục ăn trộm, sau này trở thành tên trộm khét tiếng.
Tôi chưa bao giờ gặp đứa trẻ giỏi như thế.
Năm 14 tuổi, đứa trẻ cầm đầu một băng nhóm ăn trộm gây nỗi khiếp sợ cho cả một vùng, nhưng rồi bị chính đồng bọn giết chết. Lúc đó tôi nghĩ, nếu người lớn ngày đó đừng bắt và trói đứa trẻ, mẹ cậu bé thay vì đánh đập và nhiếc móc thì hãy đưa con về nhà, nói cho con biết hành vi ăn trộm là sai nhưng mẹ vẫn tin con trai sẽ không làm như vậy nữa; làm được như thế chắc chắn số phận cậu bé đã khác.
Lứa tuổi phổ thông trung học, từ 15 tuổi trở lên trẻ đã hiểu rõ ăn cắp là sai, nhưng vẫn thực hiện hành vi ăn cắp do tính ích kỉ. Khi trẻ ăn cắp được một vài lần, món đồ có được thấy có lợi và quá dễ dàng để chiếm nó, dần dần nảy lòng tham bất cứ thứ gì mình muốn. Trẻ dễ dàng thụ hưởng của người khác, không cảm thấy sự mất mát của người khác, hoặc không quan tâm đến sự mất mát đó. Đôi khi hành vi ăn trộm chỉ là bắt chước nhau. Một số trẻ do tâm lí nổi loạn, muốn trả thù người lớn, nên ăn trộm là phương cách dễ thực hiện nhất. Các yếu tố khác cũng là nguyên nhân chính khiến trẻ ăn cắp vặt. Đó là môi trường gia đình nghèo nàn, thiếu sự quan tâm của cha mẹ, áp lực học hành nặng nề, nội tâm căng thẳng, ít bạn bè, thiếu sự quan tâm của thầy cô, ... sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của trẻ và khiến chúng có những hành vi hung hăng để khơi dậy sự chú ý của mọi người.
Đối với những đứa trẻ ở độ tuổi này, hành vi ăn trộm cần được chú ý, người lớn nên nghiêm khắc ngăn chặn. Ví dụ, nếu phát hiện trẻ lấy trộm một thứ gì đó từ một cửa hàng, cha mẹ nên đưa trẻ đến cửa hàng đó, yêu cầu trẻ trả lại món đồ và xin lỗi. Hãy để trẻ hiểu rằng hành vi trộm cắp của chúng đã mang đến cho người khác bao nhiêu rắc rối. Nhưng quan trọng hơn cả, hành vi trộm cắp là tiềm ẩn của một tội ác, hậu quả của nó vượt xa lời xin lỗi và tiền phạt.
Nếu đứa trẻ ăn trộm tiền của cha mẹ, với số tiền không lớn và dùng để mua các đồ cần thiết, trẻ nên được tạo cơ hội để trả lại tiền bằng cách làm những công việc lặt vặt hoặc làm việc nhà. Trong quá trình này, ngoài số tiền phải trả, một tháng trẻ có thể bị trừ tiền tiêu vặt. Dạy trẻ kiếm tiền là rất quan trọng. Cần lưu ý, cha mẹ tuyệt đối không mang tiền ra bẫy trẻ, hoặc thử thách trẻ, không được bắt trẻ tại chỗ như một tên trộm. Đừng mất lòng tin ở trẻ và cũng đừng để trẻ mất lòng tin ở người lớn.
Ăn trộm quen tay.
Nghĩa là một đứa trẻ cứ lặp đi lặp lại hành vi ăn trộm, thì vấn đề không còn đơn giản, lúc này cha mẹ cần dành thời gian nói chuyện với giáo viên, với bạn bè của con để tìm hiểu xem điều gì đang xảy ra. Đừng chỉ nhìn trẻ đơn giản là hành vi ăn cắp tiền. Tất cả những việc như trốn học, hút thuốc, uống rượu, sử dụng ma túy, giao du với những thanh thiếu niên hư hỏng… đều phải được chú ý.
Cũng có một bộ phận không nhỏ trẻ ăn cắp đồ thực chất là một loại biểu hiện bệnh lí. Do học lực kém, trẻ tăng động giảm chú ý thích làm những động tác ồn ào trong lớp, nghịch ngợm ngoài giờ học, dễ bị thầy cô, cha mẹ và các bạn trách móc, thậm chí còn bị các bạn trong lớp kì thị, chối bỏ. Theo thời gian, các triệu chứng tăng động, kém chú ý không thay đổi mà còn xuất hiện một số hành vi bất thường khác như nói dối, trốn học, thậm chí ăn cắp vặt. Đối với loại trẻ này, bạn phải đi khám kịp thời và đưa ra phương pháp điều trị chính xác, hợp lí.
Trẻ ăn trộm là “tiếng kêu” cần được người lớn chú ý.
Trẻ phải được dạy dỗ cẩn thận, đặc biệt với từng độ tuổi, sẽ có những biện pháp can thiệp phù hợp khác nhau. Với trẻ lớn cần phải có kỉ luật nghiêm khắc. Nhưng ở hai thái cực, hoặc lạm dụng thô bạo trừng phạt thân thể trẻ, hay thờ ơ dung dưỡng, thì đều rất nguy hiểm. Làm như vậy sẽ đẩy trẻ vào con đường mù quáng, không làm chủ được mọi hành động, thờ ơ, chán ghét, từ đó hình thành những hành vi xấu khác, như nói dối, gian lận, thậm chí bỏ nhà đi bụi và hư hỏng.
Đẩy đứa trẻ vào con đường sai trái là tội của người lớn…
BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội)