Quả ngọt của những người ươm mầm ở vùng biên

Thùy Linh | 23/11/2022, 12:54
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trường Mầm non số 2 Trọng Hóa nằm cách trung tâm xã hơn 35 km. Tại 7 điểm trường có 27 giáo viên, nhân viên đang chăm sóc, dạy dỗ gần 200 trẻ.

Hy sinh thầm lặng để cho con chữ được nảy mầm

Vượt qua những khó khăn đặc thù, mỗi giáo viên của trường đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng hy sinh thầm lặng để cho con chữ được nảy mầm, sinh sôi trên những vùng đất khó...

Quả ngọt của những người ươm mầm ở vùng biên ảnh 1
Các cô giáo mầm non khuân vác vật liệu lên điểm trường K Ooc.

Điểm trường mầm non K Ooc là một trong số 7 điểm trường thuộc Trường mầm non số 2 Trọng Hóa. Năm 2022, được sự tài trợ của Tập đoàn VinGroup, điểm trường được đầu tư xây dựng mới gồm 2 phòng học có nhà vệ sinh khép kín, 01 phòng bếp và 01 phòng ở cho giáo viên. Cuối năm học 2021 – 2022, điểm trường cơ bản xây dựng hoàn thành, nhưng để có một không gian thân thiện - xanh – sạch – đẹp, đón học sinh vào năm học mới, các cô giáo trường mầm non số 2 Trọng Hóa đã dành cả kỳ nghỉ hè để thực hiện.

Từ đầu tháng 8 nhà trường đã huy động giáo viên nhặt và vận chuyển đá cuội từ khe suối lên để làm cảnh quan sân trường, kết bồn hoa cây cảnh, trồng hoa, tận dụng phế liệu trang trí khuôn viên. Những ngày cuối tháng 8, để hoàn thiện các phòng học, các giáo viên tiếp tục vận chuyển, tập kết vật liệu từ dưới chân núi lên điểm trường.

Tham gia cùng với các giáo viên khuân vác vật liệu lên điểm trường K Ooc, cô giáo Cao Thị Trang – Phó hiệu trưởng chia sẻ: Để mang vật liệu lên đến điểm trường, các cô giáo phải đi qua cầu treo, vượt qua hơn 4km đường dốc quanh co, như những con ong chăm chỉ các cô giáo đã cõng trên lưng không biết bao nhiêu là vật liệu như: khung cửa, bàn ghế, bồn rửa...., đi bộ hơn 01 giờ đồng hồ, dừng nghĩ hơn 20 lần mới tới nơi.

Quả ngọt của những người ươm mầm ở vùng biên ảnh 2
Vận chuyển đá cuội từ dưới suối lên làm bồn hoa tại điểm trường K Ooc.

Cô giáo Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, người có 6 năm công tác tại trường mầm non số 2 Trọng Hóa. Mới đầu khi lên nhận công tác, cô được bố trí dạy ở điểm trường bản Lòm, hai năm nay cô phụ trách dạy ở điểm trường K Ooc. Cô giáo Nguyệt chia sẻ: trời biên giới ẩm ương, có khi buổi sáng bắt tay vào vận chuyển nguyên vật liệu lên điểm trường trời hửng nắng rất đẹp, đang di chuyển đến giữa đường trời lại mưa như trút nước, đi trên đường bị trơn trượt, cả người và xe cùng với vật liệu lấm lem bùn đất, có cô còn bị trầy da chảy máu, nhưng với quyết tâm tạo một điểm trường sạch đẹp, các cô đã kiên trì vượt qua.

Đến hôm nay, điểm trường mầm non K Ooc đã cơ bản hoàn thiện, sân trường được bê tông, có hàng rào bảo vệ, những bồn hoa mới trồng đã đâm chồi nảy lộc, bàn ghế ngay ngắn, lớp học trang trí sinh động. Năm học 2022 – 2023, 21 học sinh của bản K Ooc đã được vào học ở điểm trường mới. Đây là niềm mong mỏi bấy lâu của bà con và các cô giáo mầm non cắm bản.

100% trẻ trong độ tuổi ra lớp

Với 100% số trẻ là con em đồng bào dân tộc, việc vận động trẻ tới trường mỗi khi vào năm học mới là cả quá trình gian nan. Vì điều kiện sống của bà con đa phần còn gặp nhiều khó khăn, cùng với nhận thức của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số về sự học con em mình còn hạn chế.

Quả ngọt của những người ươm mầm ở vùng biên ảnh 3
Giáo viên trường mầm non số 2 Trọng Hóa tham gia làm vườn hoa cây cảnh tại các điểm trường.

Cô giáo Hiệu trưởng Đinh Thị Bùi Chung cho biết: Bắt đầu vào năm học, chúng tôi đã phải đi vận động các hộ gia đình, không phải gia đình nào lần đầu đến vận động họ cũng nghe, và cũng gặp được họ, nên chúng tôi phải đến nhiều lần hỏi thăm, động viên và tâm sự để phụ huynh hiểu tầm quan trọng của việc cho trẻ đến trường. Nhà trường cũng phối hợp với các đoàn thể của xã như phụ nữ, đoàn thanh niên, cán bộ đồn biên phòng Ra Mai… cùng đi đến từng bản để huy động trẻ.

Do đó những năm gần đây, nhận thức của bà con dần thay đổi, phụ huynh quan tâm hơn đến việc học của con em mình. Nhờ đó năm học 2021 – 2022 trường đã có 197 em theo học, tỷ lệ chuyên cần đạt trên 98%, 100% trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn đã hoàn thành chương trình Giáo dục mầm non. Năm học 2022 – 2023, trường đã vận động và tuyển sinh được 201 em đạt tỷ lệ 100% trẻ trong độ tuổi.

Cô Chung cho biết: Thời điểm năm 2016, trường chỉ có 04 phòng học ở điểm trung tâm được kiên cố hóa, có gần 20 phòng học tạm. Bếp ăn được dựng tạm bợ bằng những tấm ván ghép, đun nấu bằng củi. Nguồn nước uống được các cô giáo lấy trực tiếp từ khe suối hoặc xin ở nhà dân. Một trong những khó khăn nữa là đường đi vào những điểm lẻ vẫn là đường rừng. Chỉ có những giáo viên cắm bản, quen tay quen đường mới dám lái xe máy qua những con đường sỏi đá, cheo leo trên sườn núi.

Trước những khó khăn đó, Ban giám hiệu nhà trường đã tham mưu cấp trên và được Phòng GD&ĐT huyện, UBND huyện Minh Hóa dành nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Đến nay, Nhà trường có 07 điểm trường với 03 phòng học kiên cố, 04 phòng bán kiên cố, 04 phòng lắp ghép, 02 phòng tạm, 01 văn phòng, 07 phòng hành chính và 01 nhà bếp. Đường đi đến các điểm trường lẻ cũng đã thuận tiện hơn. Được học những phòng học mới, trẻ càng thêm yêu trường, yêu lớp, đây cũng là động lực để Nhà trường tiếp tục nỗ lực vươn lên.

Quả ngọt của những người ươm mầm ở vùng biên ảnh 4
Công an tỉnh Quảng Bình hỗ trợ xây dựng điểm trường mầm non tại bản Sy xã Trọng Hóa.

Trong năm học trước, trường có 03 giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 01 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Tỷ lệ bé chăm đạt 98,9%, bé ngoan đạt 97,9%. Năm học 2021 – 2022, Nhà trường được Chủ tịch UBND tỉnh tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc. Được Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện chuyên đề “Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”. Trường cũng đạt giải nhì cuộc thi “ Thiết kế, xây dựng trường học Xanh – Sạch – Đẹp” do Phòng giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức.

Bài liên quan
Hành trình gieo chữ Việt trên đất Lào
Là một nhà giáo có nhiều thành tích, công việc và gia đình ổn định, việc thầy Tô Ngọc Sơn (Đồng Tháp) quyết định đăng ký để sang dạy tiếng Việt trên đất Lào khiến gia đình, bạn bè, đồng nghiệp bất ngờ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quả ngọt của những người ươm mầm ở vùng biên