Sinh viên bận 'trà chanh chém gió' ngại nghiên cứu khoa học

PV | 16/05/2023, 07:47
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Những lưu ý về việc chọn đề tài, cách tìm kiếm thông tin và thực hiện nghiên cứu... đã được các chuyên gia chia sẻ tới sinh viên tại tọa đàm do ĐH Hà Nội tổ chức.

Các sinh viên dự tọa đàm.

Chia sẻ tại tọa đàm, ThS Ngô Phương Dung tại khoa Quản trị kinh doanh và Du lịch, ĐH Hà Nội, cho hay sau nhiều năm theo dõi, nhiều vấn đề khiến sinh viên không mặn mà tham gia nghiên cứu khoa học. Song, cản trở đầu tiên đến từ chính sinh viên, cụ thể là động lực cá nhân.

Bà Dung cho hay bà từng tiến hành một cuộc khảo sát nhỏ với 2 nhóm đối tượng sinh viên: Tham gia nghiên cứu khoa học và không.

Với nhóm không tham gia nghiên cứu khoa học, theo bà Dung tựu trung nói đến các nguyên nhân gồm: Nghiên cứu khoa học mang tính học thuật, khô khan, xa rời thực tế; phải đọc nhiều, “chạy” nhiều dữ liệu; tự ti, cho rằng khó và bản thân thiếu kinh nghiệm, kỹ năng; theo đuổi sẽ mệt mỏi, dễ chán nản đặc biệt nếu phải làm một mình; mất thời gian...

Nỗi sợ của sinh viên có thể gom thành 5 từ: Khô khan, khó, khổ, không tự tin, khan hiếm (thời gian, kinh phí và thông tin).

“Đúng là nói đến nghiên cứu khoa học là tìm ra quy luật mới, đóng góp vào kiến thức chung của nhân loại. Tức là nếu nói về khái niệm rất hàn lâm. Tuy nhiên, cũng vì các sinh viên nghĩ nghiên cứu khoa học là điều gì đó 'cao siêu' quá, mà quên mất rằng những quy luật mới trong nhân loại lại bắt nguồn từ những vấn đề thiết thực, cụ thể của cuộc sống hàng ngày.

Sinh viên cần xác định rằng tham gia vào nghiên cứu khoa học không phải buộc tìm ra một cái gì đó cao siêu, quá mới mà có thể là những hướng mở rộng hướng nghiên cứu tiếp theo”, bà Dung nói.

nghien cuu khoa hoc anh 1
ThS Ngô Phương Dung nêu những lý do khiến sinh viên không còn mặn mà với nghiên cứu khoa học.

Theo bà Dung, rất nhiều đề tài để sinh viên có thể tham gia nghiên cứu liên quan đến chuyên ngành riêng của mình.

“Ví dụ, các sinh viên du lịch có thể nghiên cứu về thị trường khách hoặc những vấn đề liên quan đến chính những băn khoăn, khó khăn hàng ngày của chuyên ngành, hoặc bắt nguồn từ những vấn đề của chính bản thân, của bạn bè xung quanh hoặc những vấn đề đang diễn ra trong xã hội, cuộc sống của chúng ta... Như đề tài nghiên cứu về định hướng nghề nghiệp của sinh viên năm cuối ngành du lịch dưới ảnh hưởng của Covid-19...”, bà Dung nói.

Nếu biết cách, sinh viên sẽ không bị mất quá nhiều thời gian hay kinh phí khi tham gia nghiên cứu khoa học. Bà Dung dẫn chứng bằng việc các sinh viên có thể nghĩ hướng phát triển các đề tài dựa trên các bài tập lớn cuối các môn học. Việc này có thể giúp sinh viên tiết kiệm được một số công đoạn từ việc tìm hiểu cho đến thực hiện.

Với nhiều kinh nghiệm hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, TS Nguyễn Vân Hà - giảng viên ĐH Ngoại thương - cho rằng để khuyến khích, tạo động lực cho sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, điều cần thiết là phải giúp các em hiểu lợi ích của việc này.

“Tôi luôn muốn cho sinh viên hiểu rằng khi chúng ta làm việc nghiêm túc, cố gắng hoàn toàn có thể nghĩ tới kết quả khả quan, có thể kết quả đến từ trong một cuộc thi hoặc cả ngoài cuộc thi”, bà Hà nói.

Theo bà Hà 3 lợi ích chính khi làm nghiên cứu đó là kiến thức, kỹ năng và cơ hội sau tốt nghiệp.

“Thực hiện công trình nghiên cứu khoa học sẽ giúp sinh viên mở rộng kiến thức, hiểu biết về một lĩnh vực, chủ đề chuyên sâu cụ thể.

Đây cũng là cơ hội để các em thử thách và khám phá, hiểu chính bản thân mình về ưu và nhược điểm, rèn tư duy phản biện, tăng cường khả năng phân tích số liệu và dữ liệu, làm việc độc lập hoặc theo nhóm, thiết lập các mối quan hệ... những kỹ năng rất quan trọng đối với các bạn sinh viên khi chuẩn bị bước vào thị trường lao động.

Đồng thời, việc nghiên cứu khoa học sẽ là tiền đề giúp sinh viên có thể có những đóng góp cho tri thức nhân loại về sau, giúp ích cho hành trình nghề nghiệp”, bà Hà nói.

Tại tọa đàm, em Ngô Thanh Tâm, sinh viên khoa Tiếng Đức, thắc mắc với những sinh viên các ngành ngôn ngữ, các đề tài nghiên cứu khoa học cụ thể rất khó và liệu có thể làm vấn đề gì.

ThS Ngô Phương Dung cho hay thực tế, việc chọn vấn đề nghiên cứu khoa học liên quan đến ngoại ngữ cũng đang gặp nhiều khó khăn.

“Các vấn đề hầu hết từ trước đến nay đều đã được nghiên cứu. Vì vậy, để xác định một vấn đề nghiên cứu mang tính mới trong lĩnh vực ngôn ngữ, các sinh viên có thể gắn với các yếu tố về văn hóa, xã hội. Bởi ngôn ngữ sẽ đi cùng với những thay đổi về văn hóa, xã hội.

Đây là những điều diễn ra hàng ngày, nên có thể là nguồn để các em có những ý tưởng nghiên cứu phong phú và mở rộng đề tài. Từ đó, đưa ra những sản phẩm cụ thể trong các lĩnh vực khác nhau”, bà Dung nói.

ThS Ngô Phương Dung cũng lấy dẫn chứng có thể nghiên cứu về việc “gen Z hiện nay cấu thành ngôn ngữ riêng của thế hệ như thế nào, có quy luật riêng gì không?”...

Đồng tình về việc phát triển mở rộng đề tài nghiên cứu đó, TS Nguyễn Ngọc Lân, Trưởng phòng Quản lý khoa học ĐH Hà Nội, cho hay với ngành ngôn ngữ, một dạng đề tài nghiên cứu liên quan đến ngôn ngữ có thể là phát hiện các lỗi sai mang tính quy luật của vùng miền/độ tuổi... và chỉ ra cách khắc phục...

nghien cuu khoa hoc anh 2
TS Lương Ngọc Minh, Phó hiệu trưởng ĐH Hà Nội.

Bớt “trà chanh chém gió” dành thời gian nghiên cứu khoa học sẽ gặt nhiều thành quả

TS Lương Ngọc Minh - Phó hiệu trưởng ĐH Hà Nội - cho rằng thời gian sẽ “trôi vèo” nếu chỉ học 4 năm đại học và ra trường. Nhưng nếu cùng với giảng viên nghiên cứu khoa học, các sinh viên sẽ có rất nhiều mối quan hệ, không những thầy cô của mình mà cả thầy cô ngoài trường, những người cùng tham gia với nhóm nghiên cứu.

Chưa kể, việc này cũng bổ sung cho các em có một bản hồ sơ cá nhân rất đẹp. “Tôi khẳng định ngoài việc tích lũy tấm bằng giỏi, những chứng chỉ kỹ năng mềm, nếu các bạn có một sản phẩm khoa học thì đó là một trong những dấu ấn đối với nhà tuyển dụng”, TS Minh nói.

“Điều quan trọng hơn, khi có một sản phẩm khoa học, các sinh viên sẽ thêm tự tin. Khi các bạn tự tin thì sẽ dễ thành công nhiều việc sau này”.

Tuy nhiên phong trào và tinh thần nghiên cứu khoa học trong sinh viên hiện nay nói chung chưa mạnh. Ông Minh hiểu rằng các sinh viên cũng rất bận, như học nhiều, đi làm thêm để không phải xin tiền bố mẹ, tham gia các câu lạc bộ kỹ năng, hay thậm chí “trà chanh chém gió”, tình yêu...

“Rất nhiều thứ bận nhưng nếu các bạn dành một chút ít thời gian cho nghiên cứu khoa học tôi nghĩ sẽ các bạn sẽ được rất nhiều thành quả. Nếu chưa từng làm nghiên cứu cảm giác cũng khó thật. Nhưng khi vượt qua được, các bạn sẽ thấy mọi việc dễ dàng”, ông Minh nói.

Bài liên quan
Thiếu chính sách thúc đẩy học sinh nghiên cứu khoa học
Thực tế đòi hỏi cần có chính sách, các nhà trường và gia đình cần tạo điều kiện, khen thưởng, tạo động lực cho cả thầy và trò.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sinh viên bận 'trà chanh chém gió' ngại nghiên cứu khoa học