Tác phẩm 'Người ở bến sông Châu' SGK Ngữ văn 10 bộ Cánh diều

Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Cô Nguyễn Quỳnh Anh gợi ý về chất thơ trong tác phẩm 'Người ở bến sông Châu' sách giáo khoa (SGK) Ngữ văn 10 bộ Cánh diều.

Năm tháng đi qua, nỗi đau nguôi ngoai phần nào, dì Mây tiếp tục vượt lên số phận để sống với nghị lực mạnh mẽ, vẻ đẹp thanh xuân của dì trở lại phần nào, mặc dù chỉ còn một chân: “Về một thời gian, tóc dì Mây mọc thêm, da dẻ hồng hào trở lại. Đêm trăng sáng. Dì Mây lọn tóc cao trên gáy rủ Mai xuống bến sông tắm. Nước sông Châu chảy êm đềm mát rượi. Vai dì Mây để trần. Trăng sáng lấp loá trên ngực dì căng đầy. Cổ dì Mây trắng ngần, mắt dì sáng lên, lung linh, huyền hoặc (... ) Dì Mây quẫy mình, một chân còn lại quẫy nước, hai tay sải mạnh, người lấp loá trên sông đầy ánh bạc. Sóng nước lao xao”.

Làng xây trạm xá, dì lại nhận lời trở lại nghề y, dì giúp cô Thanh, vợ chú San vượt cạn trong lúc cận kề cái chết. Dì Mây vượt qua những nhỏ nhen thông thường để động viên cô Thanh: “Như thể không nghe thím Ba nói, dì Mây tiêm thuốc tê, thuốc trợ sức, rạch rộng rồi bảo cô Thanh cố rặn. Cô Thanh nhìn dì Mây bằng con mắt sợ hãi, cầu cứu. Dì nhỏ nhẹ: “Em cố lên. Hãy nghĩ đến đứa con. Nào... Cố lên em... Cố lên...”.

Dù chỉ ít lâu sau dì lại gục chính xuống cái bàn đỡ đẻ khóc tức tưởi. Thím Ba chết vì vướng bom còn sót lại sau chiến tranh, dì lại nhận nuôi thằng Cún, đêm đêm tiếng ru của dì vang vọng cả khúc sông Châu. Chính nhà văn Sương Nguyệt Minh từng tâm sự về những tác phẩm viết về chiến tranh của mình: “…là thêm dòng chảy khác cùng vận động với dòng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong hợp lưu văn học viết về chiến tranh.

Đó là cảm hứng cái tôi bi kịch với thân phận con người khi chiến tranh càn quét, đè bẹp. Hay nói cách khác là bi kịch con người khi chiến tranh đi qua. Âm hưởng ngợi ca, hoặc cảm hứng “ta thắng địch thua cả nhà sum họp” không còn là cái kết có hậu duy nhất, mà được mở ra với nhiều tầng ý nghĩa, để trăn trở, nghĩ ngợi”.

4.

Chất thơ qua những nét phác họa phong cảnh làng quê bình dị.

Bằng khả năng quan sát tinh tế, bút pháp miêu tả tự nhiên, dung dị, tác giả đã phác họa những khung cảnh thiên nhiên làng quê bình dị, thân thuộc nhưng không kém phần thơ mộng với dòng sông, con thuyền, hoa bưởi, hoa gạo, hoa loa kèn, đám mây, đàn két, đàn sếu, hàng râm bụt, dây tơ hồng…

Không gian của truyện gắn liền với bến sông Châu nhưng có khi dòng sông cuộn sóng buổi xế chiều khi dì Mây trở về: “Hôm ấy, nước sông Châu đỏ quạch. Sóng lớp lớp đập tung vào mố cầu đổ đứng trơ trọi giữa dòng nước từ thời bom Mỹ thả. Hoàng hôn màu đỏ ối. Mây đen, trắng lẫn lộn bay cuồn cuộn. Nước sông Châu mỗi lúc một lên cao, chảy xiết”.

Có khi hồi ức tình yêu đẹp đẽ giữa dì Mây và chú San trở về: “Trong mắt hai người không phải màn đêm dưới tán lá bưởi thoang thoảng mùi hương thuần khiết mà là bến sông. Bến sông Châu năm ấy giữa mùa hoa gạo cháy. Từng cánh, từng cánh hoa đỏ tươi rắc đầy lối xuống đò”. Hình ảnh hoa gạo trở đi trở lại trong truyện lúc rụng đầy khoang đò, lúc rắc đầy bến sông, lúc rắc đầy lối xuống sông khiến dì Mây nhìn ngơ ngẩn. Thứ hoa vốn quen thuộc với bao làng quê như gợi đến hồn quê ở mỗi người, gợi đến những gì trong trẻo, thuần khiết, nghĩa tình.

“Tháng Ba lại về. Hoa gạo nở rắc đầy lối xuống sông”, câu văn xuôi lại rất thơ, gợi nhắc bao kỷ niệm khiến lòng người xao xuyến, bâng khuâng. Có khi Sương Nguyệt Minh xen vào những hình ảnh rất xưa để gợi bao hoài niệm: “Cuối Thu trời hơi se lạnh. Giữa nền trời mờ đục, sếu từng đàn giăng giăng hình chữ V bay mải miết về phương Nam tránh rét. Trong làng thêm nhiều người đan áo”.

Có khi cảnh và tình cứ đan xen, hòa quyện, đoạn văn kết thúc truyện rất giàu chất thơ như khúc vĩ thanh còn ngân vang mãi. Thiên nhiên đẹp nhưng tâm hồn người đẹp hơn, bài ca về sức sống, về tình người như lan tỏa khắp đất trời, tạo vật: “Đêm sông Châu. Đất trời như giao hoà một màu bàng bạc. Muôn triệu vì sao chi chít, nhấp nháy, rắc đầy xuống bến sông.

Làng quê lam lũ, mệt mỏi chìm vào giấc ngủ. Mùi hương cỏ mật lẫn vào mùi hương nồng nàn của đất phù sa dậy lên. Sông Châu thao thức. Sóng vỗ về, rì rầm bài ca ngàn xưa của đất trời. Văng vẳng trong đêm tiếng dì Mây ru thằng Cún ngủ. Giọng ầu ơ từ bến sông Châu lan xa, vang vọng. Lính công binh bắc cầu chợt dừng tay hàn, lắng nghe. Tiếng ru lúc đầu trầm lắng, nghèn nghẹn, xót xa sau êm ái, trong sáng, mênh mang, ngân nga sâu lắng tận sâu thẳm con tim những người lính. Tiếng ru lẫn vào hơi thở sông nước trong đêm, hoà vào hương thơm của cây cỏ, đất trời”.

Chất thơ còn hiện hữu trong những câu văn giàu tính nhạc gợi giọng điệu nhẹ nhàng, du dương: “Chạy ngược chiều gió thổi, tóc dì sổ tung bay bồng bềnh, bồng bềnh như mây”, “Bến sông Châu năm ấy giữa mùa hoa gạo cháy. Từng cánh, từng cánh hoa đỏ tươi rắc đầy lối xuống đò”, “Mùi hương cỏ mật lẫn vào mùi hương nồng nàn của đất phù sa dậy lên. Sông Châu thao thức. Sóng vỗ về, rì rầm bài ca ngàn xưa của đất trời”…

5.

Có thể nói chính chất thơ ăm ắp trong truyện đã đem lại cho người đọc rất nhiều rung cảm, bên cạnh những đau thương, mất mát của người phụ nữ sau chiến tranh còn là những vẻ đẹp dung dị của tình người, là vẻ đẹp tâm hồn con người khi vượt lên đau thương, mất mát để sống có ý nghĩa giữa cuộc đời. Để khép lại bài viết nhỏ này, chúng tôi xin mượn nhận định của nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy: “Như vậy, để biết một tác phẩm văn xuôi như truyện ngắn hay một đoạn văn trong một cuốn tiểu thuyết có giàu “chất thơ” hay không cần phải đọc kỹ văn bản đó; chú ý sự liên kết các cấp độ trong văn bản có đưa lại một hiệu ứng thẩm mỹ nào không? Nếu có hiệu ứng như là một khoái cảm thẩm mỹ trong quá trình đọc thì văn bản văn xuôi đó thực sự giàu “chất thơ”.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/chat-tho-trong-truyen-nguoi-o-ben-song-chau-post629792.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/chat-tho-trong-truyen-nguoi-o-ben-song-chau-post629792.html
Bài liên quan
Truyện ngắn 'Người ở bến sông Châu': Ngày về nghẹn đắng
Chiến tranh khốc liệt mấy rồi cũng sẽ đi qua, song nỗi đau bởi đạn bom sẽ còn đeo đẳng mãi.

(1) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tác phẩm 'Người ở bến sông Châu' SGK Ngữ văn 10 bộ Cánh diều