Trên thực tế, khi đối đầu với các đội bóng mạnh, ĐT Việt Nam thường đá phòng ngự phản công nên quân số phía trên thường khá ít trong khi lối chơi không còn gây bất ngờ và việc Tiến Linh, Quang Hải, những ngòi nổ tốt phía trên đã bị đối phương hóa giải.
“Sẽ là sai lầm nếu chúng ta chơi đôi công với các đội mạnh cỡ Australia, Nhật Bản hay Saudi Arabia nên ĐT Việt Nam chỉ có thể đá rình rập, chờ cơ hội phản công. Áp lực hàng công tạo nên không lớn và việc đối đầu với các trung vệ đẳng cấp của đối thủ là tương đối khó khăn nên mới không ghi được bàn nào qua các trận sân nhà”, chuyên gia Phan Anh Tú nhấn mạnh.
Mặt khác, yếu tố tâm lý cũng là điều mà các cầu thủ trên hàng công ĐT Việt Nam bị trục trặc khi đối đầu với nhiều cầu thủ đang chơi bóng ở Ngoại hạng Anh trong đội hình Australia, Nhật Bản.
Chính HLV Park Hang Seo cũng phải thừa nhận: “Chúng tôi đã cố gắng làm công tác tâm lý, giúp cầu thủ cởi bỏ những áp lực, tự tin nhưng quả thực, việc đối đầu với đối thủ mạnh hơn rất nhiều cũng ảnh hưởng đến tâm lý thi đấu trên sân, nhiều pha xử lý chưa được đảm bảo”.
Lần đầu thi đấu ở vòng loại thứ 3 World Cup, ĐT Việt Nam không gặt hái được kết quả tốt là điều không quá bất ngờ. Nhưng rất có thể tới đây tình hình sẽ khác với ĐT Việt Nam khi chúng ta được tiếp Trung Quốc, Oman – những đối thủ vừa tầm ngay trên sân nhà ở các trận lượt về phía trước. Và khi không phải đối mặt với nhiều ngôi sao, đẳng cấp châu lục thì rất có thể, sự tịt ngòi trên hàng công sẽ được giải quyết dứt điểm hiệu quả.