Nhu cầu ngày càng cao
- Hiện, nhu cầu về tư vấn tâm lý ngày càng cao, song dường như ngành học này vẫn khó thu hút để tuyển sinh. TS nghĩ sao về nhận định này?
- Tôi cho rằng, nhu cầu về các dịch vụ tâm lý nói chung chứ không chỉ là tâm lý trường học đang ngày càng quan trọng trong xã hội hiện đại. Có nhiều dịch vụ tâm lý như: Tâm lý học sức khỏe, tâm lý học giáo dục, tâm lý học tổ chức - công nghiệp, tâm lý học lâm sàng, tham vấn tâm lý… Tuy nhiên, những người thực sự tìm đến các dịch vụ tâm lý tại Việt Nam thì chưa nhiều. Điều này bởi văn hóa sử dụng dịch vụ, do điều kiện tài chính và cả năng lực cung cấp dịch vụ tâm lý của các nhà chuyên môn.
Chính vì nhu cầu về tham vấn tâm lý hay tâm lý lâm sàng ngày càng cao, do vậy, học sinh theo học ngành tâm lý ngày càng nhiều. Cả nước có nhiều trường đào tạo từ cử nhân đến tiến sĩ ngành tâm lý và có hàng nghìn sinh viên theo học hàng năm. Tuy vậy, chất lượng đào tạo lại chưa đáp ứng được kỳ vọng của người học và xã hội. Điều này dẫn tới năng lực của các nhà chuyên môn chưa thể đáp ứng được dịch vụ chuyên nghiệp như các nước phát triển.
Việc đào tạo chưa đảm bảo chất lượng một phần do năng lực chuyên môn của các giảng viên tham gia chương trình đào tạo, họ ít có các nghiên cứu chuyên sâu và thiếu năng lực thực hành. Trong khi đó, đào tạo một nhà tâm lý đòi hỏi phải có đủ năng lực mới cung cấp được dịch vụ, phải có đạo đức nghề nghiệp và được giám sát lâm sàng liên tục, lâu dài. Ngoài ra, các cơ sở thực hành cũng còn thiếu và yếu dẫn tới mô hình đào tạo thực hành chưa thể đáp ứng được chất lượng như kỳ vọng.
- Liệu đây có phải là cơ hội để phát triển đào tạo ngành tâm lý học trong các cơ sở giáo dục đại học?
- Điều này là hoàn toàn chính xác. Vì thế, nhiều đại học nước ngoài tại Việt Nam bắt đầu mở ngành đào tạo chương trình tâm lý học. Tuy nhiên, họ mới chỉ đào tạo bậc cử nhân và cơ bản, chưa đi sâu vào đào tạo chuyên ngành hẹp như: Các ngành tâm lý lâm sàng, tham vấn, tâm lý học tổ chức công nghiệp… Việc không thể đi sâu vào chuyên ngành hẹp vì thiếu chuyên gia, thiếu cơ sở thực hành và phát triển nghề nghiệp (hội nghề nghiệp, yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, vị trí việc làm…) tại Việt Nam.
Tôi cho rằng, học tâm lý học không có nghĩa là trở thành một nhà tâm lý, nghĩa là một người thực hành và theo đuổi nghề nghiệp chuyên nghiệp, mà có thể sử dụng các kiến thức tâm lý ứng dụng vào các lĩnh vực ngành nghề mình theo đuổi như: Nhà báo, lập trình, quản trị kinh doanh, bán hàng, nghiên cứu thị trường, dạy học… Chỉ những người theo học sau đại học theo ngành hẹp và được giám sát mới có thể bảo đảm đủ năng lực thực hành nghề nghiệp như một nhà chuyên môn được.
- Xin cảm ơn TS!