Theo SCMP, vụ phóng thất bại lần này là bước lùi lớn đầu tiên đối với loại tên lửa 4 tầng, dài 20 mét, vốn đã trở thành một trong những tên lửa thương mại hoạt động tốt nhất ở Trung Quốc kể từ chuyến bay đầu tiên vào tháng 11/2020.
Sự cố giữa không trung đã phá hủy vệ tinh Gaofen-04 B mà tên lửa mang theo. Ảnh: Gagadeget
Đáng nói, theo SCMP, thất bại này có khả năng làm trì hoãn kế hoạch mở rộng Cát Lâm-1 (Jilin-1) – mạng lưới vệ tinh quan sát Trái Đất lớn nhất thế giới của Trung Quốc.
Cát Lâm-1 hiện có hơn 100 vệ tinh trên quỹ đạo và dự kiến sẽ tăng lên 300 vệ tinh vào năm 2025, cung cấp dịch vụ hình ảnh có độ phân giải cao phục vụ nhiều mục đích, từ khảo sát tài nguyên đất đai cho đến lập kế hoạch cứu trợ thiên tai và xây dựng thành phố thông minh.
Các vệ tinh lên Cát Lâm-1 trước đây đã được Trung Quốc phóng bằng nhiều loại tên lửa thuộc sở hữu nhà nước và tư nhân, bao gồm Trường Chinh, Khoái Châu và Hyperbola.
Trong khi một số sứ mệnh Khoái Châu và Hyperbola thất bại thì tất cả các vụ phóng Trường Chinh đều thành công.
Vụ phóng tên lửa Ceres-1 ngày 21/9 là sứ mệnh quỹ đạo lần thứ 44 của Trung Quốc vào năm 2023 và là thất bại đầu tiên đối với chương trình không gian của nước này trong năm nay. Các nhà thầu chính thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đã thực hiện 30 vụ phóng trong tổng số 60 vụ phóng nằm trong kế hoạch.
Tên lửa Ceres-1 có đường kính 1,4 mét, dài khoảng 20 mét, khối lượng cất cánh khoảng 33 tấn và tầng trên sử dụng nhiên liệu đẩy lỏng. Nó có thể mang tải 400 kg lên quỹ đạo thấp của Trái đất (LEO) hoặc 300 kg lên quỹ đạo đồng bộ mặt trời (SSO) ở độ cao 500 km.
Kỷ lục ấn tượng của Galactic Energy cho đến trước vụ phóng ngày 21/9 đã mang tới cho họ những hợp đồng quan trọng để phóng vệ tinh lên Cát Lâm-1.
Theo Space News, sự cố lần này đã phần nào nêu bật vai trò ngày càng tăng của các nhà cung cấp dịch vụ phóng thương mại ở Trung Quốc trong những sứ mệnh không gian của nước này.