Nhấn mạnh, con người cần có 4 đức là: Nghĩa - lễ - liêm - sỉ, PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục gợi mở, trong nhà trường, hay mỗi gia đình cần quy tụ 4 giá trị căn cốt này. Lễ là văn hóa đạo đức, là phép tắc phải theo khi tiếp xúc với người khác, biểu thị sự tôn kính giữa người với người. Từ xa xưa cha ông ta đã lấy “lễ nghĩa” làm thước đo mẫu mực để giáo dục trẻ con.
Còn nghĩa là tình nghĩa, như Bác Hồ đã dạy: “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa”. Sau nghĩa là liêm tức liêm chính, trong sạch. Cuối cùng là sỉ, tức là phải biết xấu hổ. “Không phải ngẫu nhiên mà từ xưa khi nói về sự học với bốn điều được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, gồm: Học ăn (Học cách lĩnh hội); Học nói (Học cách diễn đạt); Học mở (Học cách khai triển); Học gói (Học cách kết thúc)”, PGS.TS Đặng Quốc Bảo dẫn giải.
Từ những phân tích trên, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục khẳng định, giáo dục lễ nghĩa, nhân cách, đạo đức cho học sinh càng trở nên quan trọng và bức thiết hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh đổi mới giáo dục. Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhấn mạnh, cần nhanh chóng chuyển từ chủ yếu dạy học truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh.
Theo PGS.TS Đặng Quốc Bảo, năng lực đầu tiên là biết giữ lễ nghĩa. Sau đó, sống sao cho có tình nghĩa. Vì thế, đầu tiên phải có lễ thì mới ra được nghĩa. “Làm tốt việc trên sẽ giảm được tình trạng bạo lực học đường và không còn hiện tượng học sinh vô lễ với thầy, cô giáo. Tôi nhấn mạnh, trước hết cần làm tốt vấn đề lễ nghĩa trong nhà trường”, PGS.TS Đặng Quốc Bảo nhắc lại.
Không phải ngẫu nhiên mà khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” được đưa vào trong các trường học, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) phân tích, khẩu hiệu này mang thông điệp: Trong giáo dục con người, trước tiên phải học làm người rồi mới học cái khác. Bởi mục đích của giáo dục không chỉ đào tạo con người có trí tuệ, năng lực để làm việc, mà cao hơn là hướng con người đến hoàn thiện bản thân, vươn tới “chân - thiện - mỹ”.
Nhấn mạnh, giáo dục học sinh nhằm đào tạo ra những con người vừa có tài, vừa có đức, bà Tăng Thị Ngọc Mai, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh, đại biểu Quốc hội khoá XIV nhìn nhận, hơn bao giờ hết, các cơ sở giáo dục cần tích cực rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Giáo dục các em ngoan ngoãn, lễ phép với ông bà, bố mẹ và thầy, cô giáo.
Nhìn nhận về những việc cần làm ngay, bà Tăng Thị Ngọc Mai cho rằng, trước hết giáo dục học sinh chấp hành tốt nội quy của trường, lớp. Tránh xa bạo lực và nói không với hành vi này. Muốn vậy, mỗi học sinh cần được học về cách kiềm chế cảm xúc và biết chuyển hóa cảm xúc tiêu cực.
Khuyến khích học sinh khi phát hiện hiện tượng bạo lực phải báo ngay cho nhà trường hoặc thầy, cô giáo để kịp thời can thiệp và xử lý. Nhà trường, giáo viên, gia đình cần động viên học sinh tích cực tham gia hoạt động tình nguyện nhằm tăng tính thiện và hướng thiện trong các em.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, trẻ đến trường, ngoài học kiến thức còn được dạy về cư xử lễ phép, kính trọng thầy cô giáo và đạo làm người. Đó sẽ là hành trang, nền tảng để các em bước vào đời và trở thành những hạt nhân có ích cho cộng đồng, xã hội.