Theo cô giáo Lê Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hữu Tiến, hàng năm nhà trường đã thực hiện nhiều phong trào thi đua và đạt hiệu quả như “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Dạy tốt – học tốt”, “Đền ơn đáp nghĩa”...
“Mỗi phong trào đều có kế hoạch thực hiện, triển khai cụ thể, sâu rộng, thiết thực; có sự kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm kịp thời”, cô Thúy Nga chia sẻ.
Bên cạnh đó, các hoạt động giáo dục đạo đức lối sống luôn gắn liền với tinh thần chất lượng cao về trí dục, chuẩn mực về nền nếp kỉ cương, thân thiện trong ứng xử, sáng tạo nhiệt tình trong công việc, nghiêm túc trong kiểm tra thi cử, hiện đại về cơ sở vật chất.
Theo chia sẻ của cô Thúy Nga, nhà trường luôn đảm bảo kỷ cương, nền nếp; đồng thời, nâng cao chất lượng hiệu quả đào tạo, chống tiêu cực trong thi cử. Nhà trường chú trọng tăng cường xây dựng môi trường sư phạm, giáo dục thái độ, hành vi ứng xử thân thiện trong đội ngũ nhà giáo, học sinh, phát huy vai trò tích cực của học sinh.
Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh qua nhiều hoạt động sáng tạo. |
Tập thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh trong nhà trường cũng tích cực thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành, của trường.
“Những năm qua, công tác giáo dục nói chung và giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh nói riêng đã có sự tham gia ngày càng rõ nét và phong phú của cha mẹ học sinh và cộng đồng. Việc kết hợp ba môi trường giáo dục, bao gồm nhà trường, gia đình và xã hội cũng thêm phần chặt chẽ, hiệu quả, từ đó, thúc đẩy chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường”, cô Thuý Nga chia sẻ.
Theo PGS.TS Đào Duy Quát, Nguyên Phó trưởng Ban Thường trực, Ban tư tưởng – Văn hóa Trung ương, văn hóa học đường là một phần của văn hóa quốc gia dân tộc, tạo điều kiện môi trường để hiện thực hóa “Học để làm người” của giáo dục.
PGS.TS Đào Duy Quát nhấn mạnh, nhận thức văn hóa học đường là hệ thống các giá trị chuẩn mực được kiến tạo và không ngừng hoàn thiện qua quá trình tương tác ứng xử giữa nhà quản lý giáo dục, cán bộ giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên và các cộng đồng với nhau.
Qua đó, giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng thế hệ trẻ trong các nhà trường phát triển toàn diện: nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.