Mạch nguồn văn hóa Việt
Thủy Nguyễn cùng Hoa hậu Kỳ Duyên trong một show diễn thời trang. |
Nghệ sĩ Thủy Nguyễn sinh năm 1981, tại Hà Nội, cô tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam (2006) và nhận học bổng tại Học viện Nghệ thuật Kiến trúc quốc gia Kiev (Ukraine). Đây cũng là nơi Thủy Nguyễn tiếp tục theo học thạc sĩ và lấy bằng tiến sĩ về nghệ thuật năm 2014.
Khi trở về Việt Nam, Thủy Nguyễn được biết đến nhiều nhất ở cương vị nhà thiết kế thời trang. Cô cũng là người thành lập Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory - không gian đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng dành riêng cho nghệ thuật đương đại, nhằm kết nối cộng đồng nghệ sĩ, thiết kế, sáng tạo và tạo dựng một nền tảng mang tính giáo dục, phản biện.
“Chúng tôi đề cao nét đẹp trong phông văn hóa bản địa, nhưng cũng muốn giới thiệu thêm vào đó những giá trị mới. Đồng thời, ghi nhận vị trí người nghệ sĩ hôm nay như là những học giả với phong thái tư duy và phương pháp sáng tác liên ngành”, Thủy Nguyễn cho hay.
The Factory từng tổ chức hàng loạt triển lãm và chương trình dành cho cộng đồng mang tinh thần mới mẻ và nội dung độc đáo - bao gồm workshop giáo dục, biểu diễn nghệ thuật, tọa đàm và trình chiếu phim. Nhiều nghệ sĩ và tài năng trẻ cũng được phát hiện qua các triển lãm tại không gian này.
Mạch nguồn văn hóa Việt Nam đã trở thành cảm hứng trong các sáng tạo của Thủy Nguyễn - từ hội họa cho tới thời trang. Xuất thân là họa sĩ, cô đã đưa màu sắc, hình khối theo lối tư duy của hội họa (fine arts) vào thời trang và ngược lại. Chiếc áo dài cô Ba mà cô sáng tạo đã trở thành trang phục lan rộng khắp xã hội, với những điểm nét ấn tượng.
Năm 2021, Thủy Nguyễn có một triển lãm mang tên rất lạ: “Mộng bình thường”. Với cô, được vẽ cũng giống như những nhu cầu khác như ăn, ngủ hoặc là thở. Người nghệ sĩ không thể không có giấc mộng và với Thủy Nguyễn, đó là những điều mộng mị cần thiết để nhào nặn nghệ thuật.
Chọn tông màu chủ đạo ấm nóng, sặc sỡ - hành trình thiết kế của Thủy Nguyễn luôn vui tươi, tích cực. Chính vì vậy, các trang phục luôn có sức sống, tạo nên hiệu ứng lan tỏa mạnh. Hai trong số những thiết kế được công chúng nhận ra nhiều nhất là trang phục Hoàng Thùy Linh diện trong MV “Để Mị nói cho mà nghe” và trang phục của Thái hậu Dương Vân Nga (Thanh Hằng thủ vai) trong phim “Quỳnh Hoa nhất dạ”.
Lấy mạch nguồn văn hóa dân tộc làm cảm hứng sáng tạo, nhưng Thủy Nguyễn khẳng định bản thân không làm về lịch sử, cũng không phải người làm về văn hóa truyền thống.
“Tôi là nghệ sĩ và muốn sáng tạo nhiều tác phẩm dựa trên nền tảng con người, văn hóa Việt Nam. Hội nhập trong nghệ thuật là quan trọng, nhưng việc trộn lẫn vào nhau, không còn nhận ra bản sắc Việt là điều khó có thể lan tỏa”, Thủy Nguyễn cho hay.
“Nghệ thuật của tôi là sự nối tiếp các giá trị truyền thống. Tôi lĩnh hội và phục hồi các giá trị đó trong thực hành đương đại của mình. Không phải chuyện hình thức, mà thực sự, đó là một lối sống”
- Nghệ sĩ Thuỷ Nguyễn.