Sáng tạo không giới hạn
Các nghệ sĩ sẽ mang đến triển lãm 39 tác phẩm của cả hai loại hình sáng tác. Nội dung xoay quanh các chủ đề về đạo nghĩa thầy – trò, học tập rèn luyện bản thân, sách và văn hóa đọc, các địa danh nổi tiếng của đất nước.
Hình thức các tác phẩm đều chú tâm đến bố cục, đường nét, tạo hình giàu sức khơi gợi liên tưởng. Trong khi đó nội dung mang sứ mệnh truyền tải thông điệp hướng tới những giá trị chân – thiện – mỹ.
Nếu như thư pháp dành cho giới trí thức hay những bậc cao niên, thì graffiti lại dành cho người trẻ. Ngoài ra, chất liệu sơn trên nền gạch của graffiti khác biệt với bút lông và giấy trong thư pháp Việt. Quy chuẩn thẩm mỹ của hai nền văn hóa, cũng khiến graffiti chưa được ghi nhận đầy đủ tại Việt Nam. Bởi vậy, triển lãm được kỳ vọng mở ra những khả năng tương tác, học hỏi và sáng tạo không giới hạn giữa hai loại hình đối lập.
Dù rất khác biệt nhưng cả graffiti và thư pháp đều nhằm tạo ra các tác phẩm nghệ thuật, đều đòi hỏi sự hoàn thiện về kỹ thuật, tư tưởng của nghệ sĩ, của tác phẩm cũng như các quan sát và ý niệm của tác giả.
Trên 10 năm gắn bó với graffiti, nghệ sĩ Đỗ Thế Thành cho biết, cộng đồng graffiti Việt Nam hiện nay không chỉ gắn với văn hóa đường phố mà ngày càng tích cực tham gia hoạt động giao lưu với các ngành nghệ thuật khác.
Thực hành đối thoại, Đỗ Thế Thành từng cầm bút lông để vẽ graffiti, còn nhà thư pháp Nguyễn Thanh Tùng cũng cố gắng đặt nét chữ của mình bên cạnh những hình khối và bố cục lạ lẫm. Không chỉ đối thoại, các nghệ sĩ còn bắt tay đồng hành để hai bộ môn đối lập được hoà hợp vào nhau.
“Tôi quan sát graffiti và xem xét về bố cục, hình khối, đặc điểm của loại hình này. Không chỉ graffiti, thư pháp cũng cần học hỏi nhịp điệu từ âm nhạc, tạo thế từ nghệ thuật bonsai hoặc nghiên cứu cả hội họa để ngày càng hoàn thiện hơn”, nhà thư pháp Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ.
Dù truyền thống thư pháp không lâu đời như Trung Quốc hay Nhật Bản, nhưng nghệ thuật thư pháp Việt Nam có sự tiếp biến văn hóa - khi đưa chữ Quốc ngữ trở thành hệ thống thư pháp đặc trưng của người Việt. Chữ Việt - Latinh không có tượng hình, nhưng cảm xúc của người viết thì không thể không có. Đó là điểm chung rất lớn giữa thư pháp Việt và nghệ thuật graffiti.
“Thư pháp là hình ảnh rất quen thuộc tại Văn miếu, nhưng ít người nghĩ về sự xuất hiện của graffiti tại không gian di tích này. Bởi vậy, triển lãm kết hợp graffiti với thư pháp tổ chức tại Văn miếu là điều thú vị chưa từng có. Đây là sự chuyển mình của Văn miếu Quốc Tử Giám với mục tiêu trở thành một không gian sáng tạo, trưng bày nghệ thuật và truyền cảm hứng đối với công chúng”.
- Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn miếu Quốc Tử Giám.