Phạm Đình Tiến và triển lãm điêu khắc "Tuổi mộng mơ"

Trần Hoà | 29/07/2022, 15:27
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Được nhìn nhận là một nghệ sĩ trẻ tài năng, Phạm Đình Tiến vừa có một triển lãm mới mang tên 'Tuổi mộng mơ'.

Điêu khắc lưu giữ 'Tuổi mộng mơ' ảnh 1
Một tác phẩm của Phạm Đình Tiến.

Miêu tả bàn chân

Giống như các chất liệu thị giác khác, điêu khắc đương đại trở nên ít có tính đại diện hơn kể từ những năm 1950 - với sự trỗi dậy của nghệ thuật ý niệm, và trừu tượng. Sự trung thành của Phạm Đình Tiến với chất liệu đồng gợi một điều gì đó trong quá khứ. Anh muốn lưu giữ những khát khao tuổi trẻ, những vẻ đẹp cổ điển – như sợ rằng ngày sẽ mất.

Trong 2 năm, Tiến đã ấp ủ và thực hiện các tượng thuộc bộ sưu tập “Tuổi mộng mơ”. 14 bức tượng của bộ sưu tập này là thành tựu, vốn thường đòi hỏi những phẩm chất mâu thuẫn: Sự sáng tạo tuyệt vời và tính kỷ luật cao. Anh đã đầu tư các nguồn lực nghệ thuật và tài chính đáng kể để thực hiện bộ sưu tập mới nhất.

Nhà điêu khắc trẻ có khả năng độc đáo khi có thể uốn cong những chất liệu thách thức nhất, dễ biến đổi nhất bằng sự khéo léo. Từ những hình ảnh bắt gặp đâu đó, hay thậm chí từ hình ảnh trong những giấc mơ. Anh lấy cảm hứng và thể hiện chúng thành những tác phẩm biến thể thật độc đáo.

Có một số góc độ mà người xem có thể tiếp cận ở “Tuổi mộng mơ”. Công chúng sẽ bị thu hút bởi các chi tiết lẫn hình dạng mượt mà, hấp dẫn miêu tả trong các tượng điêu khắc. Hầu hết các tượng diễn tả cơ thể người hoặc các bộ phận cơ thể – chân, bàn chân chiếm đa số – với tính chính xác cao của giải phẫu học, phản ánh ảnh hưởng của nhà điêu khắc Rodin.

“Bố tôi là một người vẽ giỏi và làm tượng Công giáo cho các nhà thờ ở địa phương. Từ nhỏ tôi đã được xem tượng và các sách dạy về tỉ lệ người, các hình ảnh tượng cổ điển phương Tây. Có thể do vậy nên tôi có cảm giác rất tốt khi học anatomy tại trường đại học mỹ thuật sau này”, nhà điêu khắc Phạm Đình Tiến cho hay.

Anh có xu hướng miêu tả bàn chân trần và chân mang dép tổ ong trong các tác phẩm. Anh cho rằng, bàn chân là phần ít được chú trọng lúc học tại trường, nhưng về mặt cảm xúc lại rất thích khối của bàn chân. Để hiểu rõ, làm một bàn chân có cảm xúc đôi khi còn khó hơn một bức chân dung.

Bàn chân về ý nghĩa của nó cũng thú vị, vừa mang tính nền tảng, vừa để di chuyển, vừa mang tính lao động. Về mặt xã hội còn mang tính giai cấp, đặc trưng nghề nghiệp, cá tính con người. Đôi dép tổ ong người nghèo thường mang, nó không đẹp, không sang nhưng dễ chịu.

Dễ thấy trong các bức tượng, nghệ sĩ ít mang tính văn chương hơn và sử dụng chất liệu ít phổ biến hơn so với những nhà điêu khắc khác. Chất liệu yêu thích của Tiến là đồng và các kim loại. Anh thừa nhận đề cao sự tự do và ngẫu nhiên trong sáng tác để hình thành bộ sưu tập “Tuổi mộng mơ”.

Tác phẩm “Trên dép dưới dép” tiêu biểu cho sự hài hước độc đáo, cũng như việc sử dụng hình ảnh – dép tổ ong kể trên và chiếc ghế nhựa phổ biến. Tác phẩm “Chiếc vòng” minh họa khả năng của nhà điêu khắc trong việc thể hiện sự tinh tế và chất thơ.

Bài liên quan
Điêu khắc Việt xuất ngoại với bầu trời vần vũ
12 tác phẩm điêu khắc của Vũ Bình Minh trong triển lãm 'Bất tận mây trời', diễn ra tại Đài Loan gây ấn tượng đặc biệt bởi sự dồn nén của thiên nhiên.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phạm Đình Tiến và triển lãm điêu khắc "Tuổi mộng mơ"