Sau 5 năm “ủ men” – đây là lần thứ hai, đôi hoạ sĩ cùng nhau chắp cánh cho một cuộc triển lãm chung mang tên An&Huy. Đó cũng là một cái tên mà ghép lại, ý nghĩa cùng bình yên trong tình yêu và cùng tỏa sáng.
Khác với những ảnh hưởng tương đồng của đôi phu thê trong cuộc triển lãm lần trước. Các tác phẩm tại An&Huy thể hiện dấu ấn sáng tạo cá nhân hoàn toàn khác nhau của hai tâm hồn, dệt nên những cung bậc bất ngờ cho bản giao hưởng hoan ca sắc màu.
Tình yêu và hạnh phúc lứa đôi, cuộc sống gia đình đầm ấm đã phả men say vào tác phẩm của Thu An, trong tranh vẽ hoa cũng như các đề tài khác. Với các tranh: Ngũ sắc, Hương thời gian, Tuổi thần tiên… Thu An cho thấy năng lực hình họa, sự thành thạo và làm chủ chất liệu sơn dầu.
Điều đáng nói vẽ về nữ giới, trong tranh Thu An - người ta nhận ra đó là những nữ nhân của cô chứ không phải ai khác. Những đường nét nhẹ như bay kết hợp gắn với nhau thành những bố cục lạ mà vững chãi của những mảng màu tươi tắn, đằm thắm và chín một cách trong trẻo.
Thu An chia sẻ: “Trong hầu hết các tác phẩm của tôi, hình tượng người phụ nữ toát lên một vẻ đẹp rất riêng rất cá tính và cũng rất sinh động, đa sắc thái, diện mạo. Các tác phẩm của tôi tập trung vào biểu cảm thế giới nội tâm chứ không chỉ cố thể hiện vẻ đẹp dịu dàng tha thướt của các nàng trong trang phục áo dài, hay những dáng ngồi, đứng yểu điệu gợi cảm”.
Trong khi đó, loạt tranh “Ánh sáng” của Đức Huy là một bước hoàn toàn mới trên hành trình sáng tác của anh. Giã biệt hình tượng người nữ đã quen thuộc với tranh Đức Huy tại triển lãm cá nhân “Vườn thiên nhiên” ở Huế, đặc biệt là nhân vật nữ tròn trịa kiểu Botero trong “Men đàn bà”, vốn lấy cảm hứng từ chính nửa kia của mình.
Dường như anh đang thể nghiệm một cách biểu đạt mới về bản ngã, về thân phận con người trong muôn vàn mối liên hệ đa đoan. Có một biểu trưng được lặp lại trong tranh như thể đó chính là ánh sáng tâm linh mà tác giả muốn tìm đến.
Trong sơn mài, anh khai thác về thiếu nữ, còn sơn dầu – acrylic lại thiên về trừu tượng. Cả hai đều được anh tìm 2 lối riêng – trong trừu tượng anh tìm trong cảm xúc từ những vết rạn, lấp lánh của những mảnh gương thủy tinh, tạo ra những khối mảng không sắc cạnh.
“Sự kết hợp tính lãng mạn trữ tình hiện đại của Thu An với nét bồng bềnh tư lự của Đức Huy tạo cho những sáng tác của cặp đôi thực ngoài đời này thêm chất lý tưởng và sự gắn kết thẩm mỹ đặc sắc. Đó là điều không phải cứ muốn là có được mà nó chỉ có thể hình thành và khởi phát từ sự đồng cảm, chia sẻ và gắn kết nghề”.
– PGS.TS Phan Thanh Bình, Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nói rằng: “Sự rực rỡ huy hoàng trong tranh của Thu An trái ngược với các tác phẩm của Đức Huy, ẩn chứa trầm tư và triết lý. Thế giới của Huy vang dội những tiếng nói thầm kín chênh vênh giữa phạm trù ý thức và khái niệm, là bước vào những giấc mơ chập chờn giữa hiện hữu và vô minh”.
Trong giới hội hoạ, vợ chồng đồng lòng triển lãm chung đã khó, để “tạo sóng” trong nghệ thuật còn khó gấp nhiều lần. Ở Việt Nam, nếu như vợ chồng hoạ sĩ Lê Triều Điển – Hồng Lĩnh đại diện cho tình yêu hội hoạ “người già” - với triển lãm “50 - 70 – 80”, thì Thu An – Đức Huy xứng đáng đại diện cho tình yêu hội hoạ “người trẻ”.