Trách nhiệm gắn kết sự đứt gãy các giá trị truyền thống tốt đẹp

Trần Hoà | 18/08/2022, 09:22
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Mỗi người có ý thức xây dựng con người văn hóa, gắn kết sự đứt gãy các giá trị truyền thống tốt đẹp - thì những thờ ơ vô cảm, những suy thoái “vàng thau” sẽ dần phải nhường chỗ cho những điều cao cả.

Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 9 - 11/8, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thẳng thắn: Thời gian qua đã có các hiện tượng văn hóa tầm thường, dễ dãi, mang tính thị trường lại thu hút quan tâm, gây nên sự nhiễu loạn “vàng thau” trong hưởng thụ văn hóa.

Môi trường văn hóa còn diễn biến phức tạp, có biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục, xuống cấp về đạo đức, lối sống…

Nguyên nhân sâu xa nhất là sự đứt gãy với các giá trị truyền thống tốt đẹp. Chúng ta đang ở vào thời kỳ quá độ - khi các giá trị của xã hội tiểu nông bị giải thể, mà các giá trị của thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa được định hình.

Cùng với đó, mặt trái của nền kinh tế thị trường thúc đẩy lối sống chạy theo vật chất, đồng tiền, đề cao các giá trị hình thức bề ngoài. Do vậy, nhiều người, đặc biệt một bộ phận giới trẻ, bị cuốn theo những phù phiếm bề nổi.

Bộ trưởng thừa nhận tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” chưa được thực hiện nghiêm túc. Thông tin tích cực, gương người tốt việc tốt chưa được lan tỏa, trong khi các tin bài giải trí thô tục, câu view gia tăng.

Những điều này làm ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng, thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, dẫn tới tình trạng nhờn cảm xúc và vô cảm.

Có thể thấy, những nhìn nhận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng rất thẳng thắn và thực tế. Những diễn biến trong đời sống xã hội hiện nay, đã nói lên tất cả những suy thoái, hời hợt, trọng vật chất và coi thường các giá trị truyền thống tốt đẹp.

Nhiều người trẻ dè bỉu khi nghe cha mẹ nói về gia phong, cháu chắt coi ông bà là lạc hậu khi nói về mỹ tục.

Một ví dụ rất nhẹ mà chúng ta thấy phổ biến hiện nay, đa số các đôi yêu nhau đều “ăn cơm trước kẻng”. Một số chờ đợi bạn gái có bầu rồi mới cưới, một số bậc cha mẹ - thay vì giáo dục con cái, lại rất đồng tình về quan niệm này.

Quan niệm thay đổi dẫn theo lối sống đổi thay. Nhưng buồn là phong cách sống hiện đại thiếu tính gắn kết cộng đồng. Đèn nhà ai người nấy rạng, cơm nhà ai người nấy ăn, không ai quan tâm ai.

Tinh thần bầu bí, tương thân tương ái, tối lửa tắt đèn… đã trở thành một nếp sống xa lạ. Con người thờ ơ với nỗi đau của đồng loại, sẵn sàng “nói chuyện” với nhau bằng vũ lực.

Trước thực trạng đó, nhiều người cho rằng phải hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa.

Tuy nhiên, chúng ta dễ thấy khó có văn bản nào có thể ngăn suy thoái, cũng khó có văn bản nào yêu cầu con người không được thờ ơ.

Văn hóa là một quá trình dài, cả trong sự hình thành lẫn trong tiếp biến. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, khẳng định văn hóa là con người, để chấn hưng văn hóa phải bắt đầu từ giáo dục.

Giáo dục văn hóa không chỉ ở trong nhà trường, mà phải từ gia đình đến xã hội. Mỗi người có ý thức xây dựng con người văn hóa, gắn kết sự đứt gãy các giá trị truyền thống tốt đẹp - thì những thờ ơ vô cảm, những suy thoái “vàng thau” sẽ dần phải nhường chỗ cho những điều cao cả.

Bài liên quan
Phát triển nhân cách từ trải nghiệm văn hóa truyền thống
Giáo dục đạo đức lối, sống cho học trò thông qua văn hóa, truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa… là cách làm đang được nhiều trường học triển khai hiệu quả để phát triển học sinh một cách toàn diện.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trách nhiệm gắn kết sự đứt gãy các giá trị truyền thống tốt đẹp