'Trí thức có nhiều chữ, nhưng ngộ chữ là rất nguy hiểm'

Thanh Hùng | 17/10/2022, 06:58
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

GS Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, dạy sinh viên cách chế ngự bản thân là yêu cầu của giáo dục bậc cao.

Thứ nhất, người học ở đây trước hết và quan trọng nhất phải là học làm người. “Bởi khi bước vào môi trường đại học, rồi có thể sau này cao hơn là thạc sĩ, tiến sĩ tức là đã tham gia vào đội ngũ trí thức. Mà người trí thức có vai trò đặc biệt quan trọng trong xã hội và đất nước. Hai chức năng cơ bản của giáo dục là dạy làm người và dạy kiến thức. Cho nên dạy làm người phải là đầu tiên. Tức sinh viên cần phải hiểu được trách nhiệm của mình đối với xã hội, đối với gia đình và vai trò của mình trong dẫn dắt đất nước”.

Thứ hai, theo ông Giang, người học ở đây phải xác định được hoài bão, mục tiêu. “Có lẽ các em vào đây học không phải để cho bố mẹ hài lòng và có lẽ cũng không hướng đến mục tiêu thiển cận là chỉ để kiếm công ăn việc làm, mà người trí thức thì hoài bão, mục tiêu phải lớn hơn. Chúng ta nói nhiều đến khởi nghiệp, nhưng vào môi trường đại học sáng tạo thì phải có tư tưởng khởi nghiệp, chứ không phải vào đây học để chăm chăm ra trường gia nhập đội ngũ đi xin việc để chờ làm thuê”.

Thứ ba, là đại học sáng tạo phải làm sao đó dung dưỡng tính nhân văn trong người học, biết hưởng thụ cái hay, cái đẹp. Phải làm sao đó để người trí thức được học những giá trị nhân văn cao nhất.

Thứ tư, cần học cách chế ngự bản thân. "Trí thức đôi khi có nhiều chữ, nhưng ngộ chữ là rất nguy hiểm. Cần phải biết mình là ai, phải biết đến đâu là đủ, đến chỗ nào cần dừng lại. Học cách chế ngự bản thân là một yêu cầu đặt ra trong môi trường giáo dục bậc cao. Tôi cho rằng đó là điều rất quan trọng".

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng

Thứ năm, là tri - tức biết nhận biết đâu là đúng, đâu là sai. "Và là người trí thức có học tập phải đứng về phía cái đúng, chống lại cái sai, bảo vệ chân lý, đó là việc rất quan trọng".

Cuối cùng là kiến thức. "Có một thời kỳ dài, chúng ta tiếp cận giáo dục theo hướng tiếp cận nội dung, tức là chỉ biết dạy kiến thức và kiến thức, cuối cùng thành ra quá tải. Và rồi, bỏ lỡ đi những cơ hội thời đại đem lại. Vì vậy, cách dạy phải làm sao đó phát huy năng lực sáng tạo của từng con người, chứ không phải nhồi nhét kiến thức".

Năm học 2022 – 2023, đội ngũ giáo sư và giảng viên của Trường Quản trị và Kinh doanh đã thiết kế và triển khai 8 chương trình đào tạo mới và liên ngành theo chuẩn quốc tế, thu hút được sinh viên quốc tế theo học, ở các trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ gồm: Cử nhân Quản trị và An ninh; Quản trị Doanh nghiệp và Công nghệ, Cử nhân Marketing và Truyền thông; Cử nhân Quản trị Nhân lực và Nhân tài; Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh; Thạc sĩ Quản trị An ninh phi truyền thống; Thạc sĩ Quản trị Công nghệ và Doanh nghiệp; Tiến sĩ Quản trị và Phát triển bền vững. 

Hiện, trường có quan hệ hợp tác nghiên cứu đào tạo với nhiều giảng viên quốc tế và nhiều trường đại học nổi tiếng trong top 100 QS thế giới như: ĐH Queensland (Úc), ĐH SUNY Albany (Mỹ), ĐH Hanyang (Hàn Quốc), ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore)… 

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/tri-thuc-co-nhieu-chu-nhung-ngo-chu-la-rat-nguy-hiem-2070607.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/tri-thuc-co-nhieu-chu-nhung-ngo-chu-la-rat-nguy-hiem-2070607.html
Bài liên quan
Cần định vị lại sứ mệnh của trí thức
Trong bối cảnh mới hiện nay với đặc trưng là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cùng với khát vọng trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, chúng ta cần định vị lại vị trí, sứ mệnh của trí thức nói chung và trí thức KH&CN nói riêng.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Trí thức có nhiều chữ, nhưng ngộ chữ là rất nguy hiểm'