Triển khai Chương trình mới là việc khó nhưng sẽ tạo thay đổi sâu sắc nhất

Hiếu Nguyễn (Thực hiện) | 12/02/2023, 13:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo Nghị quyết 29, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định:

Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 là một trong những việc lớn nhất, dài nhất, khó khăn nhất, thách thức nhất và sẽ tạo ra những thay đổi sâu sắc nhất cho giáo dục.

Đạt những mục tiêu rất căn bản

- Thời điểm này đang là nhịp giữa, năm quan trọng trong lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018. Nhìn lại 3 năm triển khai, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện, từ đó chia sẻ định hướng trong thời gian tiếp theo?

Tới thời điểm này, có thể nhận định việc triển khai Chương trình GDPT 2018 đã đi được gần nửa chặng đường, đang diễn ra theo đúng lộ trình và tất cả các địa phương đều đã đồng loạt vào cuộc, nỗ lực triển khai thực hiện.

Trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo Nghị quyết 29, việc triển khai Chương trình GDPT 2018 là một trong những việc lớn nhất, dài nhất, khó khăn nhất, thách thức nhất và sẽ tạo ra những thay đổi sâu sắc nhất cho giáo dục.

Chính thức đi vào thực hiện từ năm 2020 với nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là vừa phải vật lộn với dịch bệnh vừa thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, song có thể nói nửa chặng đường triển khai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thể hiện ở các phương diện: Triển khai đúng tiến độ, đúng kế hoạch, đồng bộ trên cả nước và tất cả các địa phương đã vào cuộc.

Hiện chưa có bản tổng kết nào có thể kể hết được những công việc sáng tạo, bền bỉ, âm thầm của từng địa phương, nhà trường, thầy cô giáo để triển khai Chương trình. Có được những kết quả ở giai đầu tiên, công đầu thuộc về các Sở GD&ĐT, các nhà trường và đội ngũ giáo viên đứng lớp.

Trước mắt vẫn còn nhiều vướng mắc, còn nhiều việc chưa hài lòng, còn nhiều việc phải làm tốt hơn, nhưng vẫn phải nhìn nhận rằng việc triển khai Chương trình GDPT 2018 đã đạt được những mục tiêu rất căn bản. Nhìn tổng thể, những gì chưa làm được là bộ phận, nhỏ hơn rất nhiều so với thành quả đã đạt được.

Ngành Giáo dục còn nhiều việc cần phải làm trong nửa chặng đường tiếp theo. Trong đó, trước hết cần thống nhất: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là quyết tâm chính trị của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ, của đất nước, do đó, đây là nhiệm vụ chính trị phải hoàn thành và chỉ được phép thành công.

Từ ý chí, quyết tâm như vậy, chúng ta cần tiếp tục có thêm những thuyết phục với chính quyền địa phương, phụ huynh… để tiếp tục tạo sự chia sẻ, đồng thuận với quá trình thực hiện đổi mới. Đối với đội ngũ giáo viên, cần ghi nhận, động viên, khích lệ, kịp thời tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tối đa, bởi họ chính là những “chiến sĩ” trên mặt trận đổi mới.

Quốc hội đã thông qua việc tăng lương cho đối tượng công chức, viên chức từ ngày 1/7/2023, trong đó có giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; đề xuất về điểu chỉnh mức phụ cấp cho giáo viên cũng đã được Bộ GD&ĐT trình Chính phủ xem xét, quyết định. Như vậy, chắc chắn sẽ có những biến chuyển về thu nhập của giáo viên trong thời gian tới.

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát các văn bản quản lý điều hành để điều chỉnh và sẽ không ngại điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018 trong thực tiễn. Một trong những văn bản quan trọng nhất sẽ được Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng trong thời gian tới là Luật Nhà giáo. - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

Thực tế triển khai Chương trình GDPT 2018 cho thấy còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Thời gian qua, những vấn đề này đã được Bộ GD&ĐT cùng các Bộ, ngành, địa phương từng bước tháo gỡ. Quan điểm vẫn là phải tiếp tục kiên trì để khắc phục từng bước.

Với nhóm việc về chuyên môn, cần tăng cường hơn nữa trao đổi chuyên môn hai chiều giữa Bộ và các Sở GD&ĐT, nhà trường, giáo viên; các vấn đề về chuyên môn phát sinh phải xử lý ngay. Chúng ta đang trong giai đoạn chuyển đổi, cải cách nên hàng ngày, hàng giờ phải lắng nghe việc triển khai thực tế như thế nào, giáo viên lên lớp có khó khăn gì.

Thời gian qua, các đơn vị của Bộ GD&ĐT đã kịp thời lắng nghe, trao đổi, gỡ khó cho địa phương, nhà trường, giáo viên. Tuy nhiên, việc này cần được làm ráo riết hơn nữa. Trong thời gian còn lại triển khai Chương trình GDPT 2018 có thể tính đến việc thành lập nhóm hỗ trợ nhanh cho giáo viên.

Triển khai Chương trình mới là việc khó nhưng sẽ tạo thay đổi sâu sắc nhất  ảnh 1
Thầy cô tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh minh họa

Tiếp tục hỗ trợ giáo viên

- Một trong những thách thức khi triển khai Chương trình GDPT 2018 là vấn đề giáo viên. Giải pháp để tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ góp phần giải quyết vấn đề thiếu giáo viên dạy các môn học mới trong thời gian tới như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Để triển khai Chương trình GDPT 2018, có rất nhiều việc phải làm, trong đó có một phần việc quan trọng là tập huấn, hỗ trợ cho lực lượng giáo viên. Tập huấn có nhiều phương diện. Bộ GD&ĐT có một chương trình lớn để triển khai tập huấn cho lực lượng giáo viên cốt cán, qua lực lượng giáo viên cốt cán sẽ có tập huấn lan tỏa cho hệ thống. Còn có các cuộc giao ban, trao đổi, hội nghị triển khai điểm mới trong Chương trình GDPT.

Bên cạnh đó, đối với từng bộ SGK, từng lớp trong quá trình thay SGK mới của chương trình mới, các nhà xuất bản, các nhóm tác giả sách cũng có trách nhiệm phải tập huấn, hướng dẫn cho giáo viên trong quá trình sử dụng sách.

Có rất nhiều việc chúng tôi đã, đang và sẽ làm để có thể tiếp tục hỗ trợ lực lượng giáo viên. Đặc biệt là về các môn học mới và những phương pháp giảng dạy mới. Tuy nhiên, việc này cần có sự phối hợp đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau và cần có khoảng thời gian thực hiện phù hợp.

Để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên dạy các môn học mới, chúng tôi đã kiến nghị với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc sắp xếp một lượng biên chế giáo viên có thể tuyển dụng để đáp ứng căn bản số lượng này. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã năng động, linh hoạt huy động các nguồn nhân lực có trình độ, phù hợp, tăng cường kỹ năng sư phạm để lực lượng này tham gia giảng dạy, nhất là đối với môn Tin học và môn Ngoại ngữ.

Đối với các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa vốn khó khăn trong thu hút nguồn tuyển, cần phải có thêm các chính sách đặc thù để thu hút giáo viên, đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Các trường đào tạo sư phạm cần mở rộng hơn quy mô đào tạo giáo viên giảng dạy các môn học này. Nghị định 116 có thể sẽ cần phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn và các địa phương cần thực hiện theo Nghị định 116 tích cực hơn nữa trong việc đặt hàng để đào tạo giáo viên.

Thiếu giáo viên: Nguyên nhân và giải pháp

- Khó khăn về đội ngũ không chỉ ở triển khai Chương trình GDPT 2018. Bộ trưởng có thể cho biết bức tranh chung về việc thiếu giáo viên hiện nay và xin cho biết nguyên nhân, giải pháp cho khó khăn này là gì?

Ngành Giáo dục đã phối hợp với ngành Nội vụ tính toán và xác định số lượng giáo viên từ nay đến năm 2026 cần phải bù đắp, bổ sung khoảng 107.000 giáo viên. Con số có thể còn biến động trong thực tế. Con số này cần tính toán để đảm bảo vừa duy trì hoạt động dạy - học bình thường và hơn thế, là tính toán để thực hiện các mục tiêu đổi mới, mục tiêu nâng cao chất lượng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu giáo viên. Thiếu giáo viên vốn do từ nhiều năm về trước đã thiếu, do số lượng bỏ việc, giảm biên chế, do nhiều năm không tuyển, tuyển nhỏ hơn số cần, do thừa thiếu cục bộ khó điều tiết, thiếu do tăng dân số tự nhiên. Nếu lấy mốc thời gian từ tháng 9/2015, khi bắt đầu năm học 2015 - 2016 thì tổng số học sinh là trên 19 triệu, nhưng đến tháng 9/2022 thì số học sinh là trên 23 triệu.

Trong khi đó, số giáo viên tại tháng 9/2015 là 1.156.000 giáo viên bậc mầm non đến phổ thông, đến thời điểm tháng 9/2022, cả nước có 1.227.000 giáo viên. Số giáo viên như vậy chỉ thêm khoảng 71.000 người, trong khi số học sinh đã tăng trên 3 triệu.

Thiếu giáo viên do biến động dồn dịch về dân số, một số vùng miền dồn về các thành phố lớn và các khu công nghiệp. Thiếu giáo viên do vấn đề dịch bệnh tác động đến các trường mầm non phải đóng cửa, đặc biệt là các nhóm trẻ tư thục dẫn đến giáo viên buộc phải nghỉ việc. Thiếu do nhu cầu để thực hiện phổ cập mầm non. Thiếu do việc tăng từ học 1 buổi lên 2 buổi/ngày. Thiếu do chuẩn về tỷ lệ giáo viên trên học sinh và số học sinh trên lớp để đảm bảo chuẩn 35 học sinh/lớp ở tiểu học và 45 học sinh/lớp ở bậc trung học. Chuẩn này đã được xác định từ năm 2010; đến năm 2019, trong điều lệ trường tiểu học, điều lệ trường trung học đã nhắc lại.

Thiếu giáo viên còn do nhiều nguyên nhân như một thời gian dài không tuyển, không tuyển được, nhiều nơi dồn vài ba năm mới tuyển. Mặt khác còn vấn đề thiếu nguồn tuyển hoặc có nguồn đã được đào tạo nhưng không dự tuyển vì chọn các ngành khác. Thiếu giáo viên do phải triển khai một số môn học mới trong chương trình GDPT nhằm nâng cao năng lực, phẩm chất, kỹ năng của người học. Chẳng hạn môn Tin học, Ngoại ngữ bắt buộc từ lớp 3 vào năm 2022, còn học sinh THPT học môn Mỹ thuật, Âm nhạc. Theo con số thống kê, chỉ số giáo viên dành cho các môn học mới đến năm 2025, 2026 thiếu khoảng hơn 26.000 giáo viên.

Để giải quyết vấn đề này, vừa qua Bộ Chính trị đã duyệt giao cho ngành Giáo dục hơn 65.000 chỉ tiêu biên chế giáo viên từ nay đến năm 2026, riêng năm 2022 chỉ tiêu biên chế là hơn 27.000 giáo viên. Sở Nội vụ của các địa phương đã bắt đầu công việc tuyển dụng giáo viên. Ngoài việc thiếu chỉ tiêu, hiện còn tồn đọng hơn 10.000 chỉ tiêu chưa tuyển dụng, do đó, chúng ta vừa tuyển dụng mới, vừa tuyển dụng số lượng còn tồn đọng này.

Một trong các chính sách rất quan trọng là tăng lương cho giáo viên. Chính sách này đang được Chính phủ tính toán, sẽ là giải pháp quan trọng để giải quyết đời sống, tâm lý giáo viên, để giáo viên yên tâm công tác.

Giáo viên thiếu nhiều nhất và bỏ việc nhiều nhất là ở bậc mầm non, số nghỉ việc ở bậc mầm non chiếm trên 40%. Vì vậy, Bộ GD&ĐT đã đề xuất điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non. Theo đó, Bộ GD&ĐT đề nghị mức phụ cấp 70% áp dụng cho giáo viên mầm non đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập; mức 100% áp dụng cho giáo viên mầm non đang trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non ở các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo, xã biên giới theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Một chính sách nữa để giải quyết thiếu giáo viên là cân nhắc việc giảm biên chế 10%. Ngoài ra, các địa phương cần giám sát, thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng đảm bảo việc tuyển dụng công khai, công bằng, tránh phát sinh tiêu cực trong tuyển dụng giáo viên. Vấn đề tiêu cực trong tuyển dụng cũng có thể là một trong những lý do khiến nhiều người không muốn ứng tuyển. Đây là điều hết sức lưu ý, đề phòng. Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các địa phương tăng cường dùng ngân sách địa phương để ký các hợp đồng đối với giáo viên mà không thuộc các chỉ tiêu biên chế.

Phát triển đội ngũ đủ số lượng, nâng cao chất lượng

- Mục tiêu, kế hoạch nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo trong thời gian tới đây sẽ như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Mục tiêu của Bộ GD&ĐT là phát triển đội ngũ nhà giáo, bao gồm đủ về số lượng và ngày càng được cải thiện, ngày càng được nâng cao về chất lượng, trình độ, phẩm chất, năng lực.

Về phương diện số lượng, chúng tôi có rất nhiều các kiến nghị về chính sách. Trong đó, rất mừng là nhận được sự ủng hộ từ phía Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương, các Bộ, ngành,… Cho nên Bộ GD&ĐT đã được bổ sung một lượng chỉ tiêu giáo viên rất lớn - hơn 65.000 giáo viên. Trong bối cảnh cả nước đang phải giảm số lượng biên chế bộ máy thì điều này thể hiện sự quan tâm, sự ưu ái đối với ngành Giáo dục.

Việc của Bộ GD&ĐT là phối hợp với Bộ Nội vụ, trong thời gian từ nay đến một vài năm tới sẽ tổ chức các kỳ tuyển dụng giáo viên, giảng viên một cách tối ưu: Tuyển đúng người, công bằng, công khai, minh bạch, chất lượng tốt nhất, đảm bảo bù đắp cho số giáo viên nghỉ hưu, số giáo viên chuyển việc cũng như đáp ứng được một phần yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy những môn học mới.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng tiến hành việc rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, rà soát các chế độ chính sách, các quy định đối với đội ngũ nhà giáo để đảm bảo nhà giáo được phát huy tốt nhất sự sáng tạo trong công việc giảng dạy. Giáo viên thấy hào hứng với công việc là điều rất tốt cho người học.

Trong các chế độ chính sách đối với nhà giáo, Bộ GD&ĐT đặc biệt quan tâm, bằng mọi cách cố gắng để có thể cải thiện về phương diện đời sống của nhà giáo và hy vọng rằng trong thời gian sắp tới sẽ đem lại được kết quả khả quan.

Để đảm bảo nguồn tuyển đối với giáo viên cho nhiều năm về sau, ngành Giáo dục cũng đã có những chính sách thúc đẩy việc đào tạo giáo viên và chuẩn bị nguồn học sinh vào học các trường đại học sư phạm.

Việc triển khai Nghị định 116 đặt hàng đào tạo giáo viên, sau 2 năm triển khai đang gặp một vài khó khăn trong áp dụng thực tế, đặc biệt việc đặt hàng đào tạo từ các địa phương. Vì vậy Bộ GD&ĐT cũng đang đề xuất Chính phủ về việc điều chỉnh Nghị định 116 cho phù hợp với tình hình thực tiễn, thực hiện tốt nhất việc chuẩn bị đội ngũ trong thời gian sắp tới.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng xem xét những phương diện liên quan đến công tác tư tưởng xây dựng môi trường văn hóa học đường, đổi mới quản trị của các trường học, nhằm đảm bảo đội ngũ giáo viên có môi trường làm việc tốt nhất. Đương nhiên có rất nhiều việc phải làm để có thể phát triển được đội ngũ, trong đó từ việc chuyên môn như tập huấn, nâng cao trình độ cho đến các chế độ, chính sách chăm lo đời sống giáo viên.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Bài liên quan
Công nghệ và chuyển đổi số có ý nghĩa quyết định khi triển khai Chương trình mới
Triển khai Chương trình GDPT 2018, Nam Định xác định yếu tố con người gắn với công nghệ và chuyển đổi số mang tính quyết định.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triển khai Chương trình mới là việc khó nhưng sẽ tạo thay đổi sâu sắc nhất