Ban đầu tôi cũng phải chỉnh sửa 1 số bài viết, dần dần các con đã tự tin trong việc viết bài và chụp ảnh không cần phải cô chỉnh. Cho đến nay, các bài viết thu hút rất nhiều lượt tương tác của các thầy cô giáo, học sinh và các bậc PHHS. Điều đó đã góp phần giúp các con “lan tỏa hạnh phúc qua công tác truyền thông” – cô Thuỷ chia sẻ.
Thầy, cô phải thay đổi
Theo TS Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), để học sinh hạnh phúc thì giáo viên cần lắng nghe, chia sẻ, tôn trọng và thương yêu học trò, tạo điều kiện để các em được thể hiện là chính mình. Để làm được điều đó, không phải là điều dễ dàng mà các thầy cô giáo phải thực sự thay đổi.
Mấu chốt để xây dựng trường học hạnh phúc là thầy, cô giáo và cán bộ quản lý phải thay đổi. Thay đổi trong cách nghĩ, trong sự thấu hiểu về mục tiêu giáo dục, về con người, tâm lý của học sinh, của chính bản thân để có thể quản lý được cảm xúc của mình, chuyển hóa được cảm xúc tiêu cực thành tích cực.
Có như vậy, thầy cô mới cảm hóa được học sinh, chinh phục được học trò. Thầy cô cần thay đổi cả cách nhìn nhận về vai trò của mình để người thầy không chỉ là người dạy bảo, mà còn là bạn đồng hành, là nhà tâm lý, truyền cảm hứng, dẫn dắt, truyền lửa cho các thế hệ học trò.
Cho rằng, yếu tố quyết định để có được trường học hạnh phúc là phải rèn luyện để mỗi người luôn có cách nghĩ tích cực; ông Đặng Tự Ân - Giám đốc quốc gia Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông - nhấn mạnh: Hiệu trưởng là người khởi nguồn và dẫn dắt, từ đó lan tỏa đến giáo viên, học sinh và phụ huynh.
“Quản lý mà không quản lý”, việc của nhà lãnh đạo nhất quán đó là, mang lại sự tự do, toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm về công việc cho nhân viên với tinh thần tự giác cao. Ngược lại họ luôn được hiệu trưởng sẵn sàng hỗ trợ về kiến thức, kinh nghiệm; cùng với với đó là sự khích lệ và động viên.
Theo ông Đặng Tự Ân, vấn đề mấu chốt cuối cùng lại nằm ở việc: vậy hiệu trưởng có dám tự nhìn nhận, bước ra khỏi “vùng an toàn” và thay đổi hay không? Đây là trở lực vô cùng khó khăn. Nếu hình dung nhà trường là một xã hội thu nhỏ và để xã hội ấy hạnh phúc, thì hiệu trưởng - với vai trò người lãnh đạo cao nhất cần thay đổi tư duy, cách nghĩ, quan điểm quản trị, cách thức điều hành.
Hiệu trưởng phải chuyển từ tư duy quản lý, mệnh lệnh hành chính sang tư duy phục vụ, đặt lợi ích, sự hài lòng của “khách hàng” lên hàng đầu. Bên cạnh “lực đẩy” về hệ điều hành, không thể thiếu “lực kéo” là hệ giá trị, tầm nhìn chiến lược, khát khao đạt đến, sẽ dẫn dắt người chèo lái con thuyền giáo dục mỗi nhà trường đi đúng hướng và cán đích.