Thiếu tá, nhà báo Trần Duy Văn công tác tại báo Quân đội nhân dân. Vào ngày khai giảng con, anh đang tác nghiệp trong bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Quân y 175 (TP Hồ Chí Minh).
Vợ anh công tác tại Hà Nội. Con trai anh bị kẹt ở quê (Lạng Sơn) vì dịch. Trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời, anh gửi cho con bức thư thấm đẫm cảm xúc.
Tâm dịch TP Hồ Chí Minh đêm 5/9/2021.
Gửi con trai Minh Anh!
Hôm nay là một ngày đặc biệt với con. Là ngày đầu tiên con chính thức bước vào lớp 1. Vậy mà cả bố, mẹ đều không ở bên. Bạn bè của con ở Trường Tiểu học Kim Đồng tại Thủ đô đang cùng cô giáo mới, bạn mới rộn ràng ngày hội tựu trường dù chỉ là qua truyền hình và internet. Các bạn có bố, mẹ, cờ, hoa… bên cạnh chung vui. Còn gia đình mình 4 người, 3 nơi. Con trai của bố đang “kẹt” lại ở quê do Covid-19. Con tự đánh dấu thời khắc chính thức vào lớp 1 nơi “trường gửi” với đôi chân tự bước, không có ai dắt tay, không có cả bố và mẹ bên cạnh.
Ngày hôm nay, như bao người khác, bố và mẹ cũng muốn ở bên con; muốn tự tay chuẩn bị cho con một bộ quần áo đẹp nhất; muốn được dắt con ra đứng trang nghiêm chào cờ cùng bạn bè đồng trang lứa trước giờ khai giảng… Hẳn đó sẽ là kỷ niệm theo con khôn lớn và là niềm tự hào với con khi có bố mẹ đồng hành bước chân đầu tiên đến lớp.
Thế nhưng, con trai ạ!
Cũng hôm nay, ở mọi ngõ phố của tâm dịch TP Hồ Chí Minh này, bố cùng những đồng đội của bố, những người lính quân y, những chiến sĩ mang cầu vai đỏ… Tất cả các cô chú, các anh chị đang trầm mình trên tuyến đầu chống dịch. Khi bố vừa tạm xong phần việc trong ngày, ngồi viết những dòng chữ này tới con cũng đã vào khuya. Thế nhưng, bên ngoài kia, dù trời đang mưa, người lính bên chốt gác vẫn thức. Và cũng như bao đêm khác, đêm nay, nhiều bác sĩ quân y vẫn đang luồn trong các ngõ phố để kịp thời cấp cứu cho người bệnh Covid-19 nguy kịch… Trong các bệnh viện dã chiến truyền nhiễm, thầy thuốc vẫn tranh thủ từng phút giành giật sự sống cho bệnh nhân…
Trong số các cô, chú ấy, nhiều người cũng gửi lại cho chồng/vợ, ông/bà nơi quê nhà những đứa con thơ. Thậm chí trong số những cô y sĩ nơi tuyến đầu, có những người mà em bé của các cô ấy mới tròn 8 tháng tuổi (bé hơn cả em gấu của con bây giờ). Vậy mà các em bé ấy cũng phải xa mẹ và rất ngoan để các cô vào trong này yên tâm cùng đồng đội chống dịch… Cũng có nhiều bạn bè khác đồng trang lứa với con có bố là người lính đang cùng bố của con xa nhà đi "đánh giặc" Covid. Và các bạn ấy cũng như con, phải chịu thiệt thòi khi không được bố dắt tay đến lớp trong ngày đầu tựu trường…
Khi con lên 3 tuổi, bắt đầu đi nhà trẻ cho đến tận bay giờ, bố thường nói đùa với con: “Con đã là một cậu bé… lớn rồi. Con phải ngoan, phải tự lập và phải biết trông em nữa…!” Những lúc ấy, con thường lý sự: “Con vẫn là cậu bé… bé mà bố!”. Thế nhưng con trai ạ, hôm nay, bố lại nói lại với con một lần nữa-nhưng đó không còn là lời nói đùa: “Con đã bắt đầu bước vào một trang mới. Con trai của bố sẽ phải tự lập hơn, sẽ phải lớn hơn những bạn đồng trang lứa khác. Bởi đơn giản, con là con trai của bố, là con trai của một chú bộ đội!”
Con biết không, ở trong lòng thành phố mà bố đang có mặt và ở rất xa con này, hôm nay, nhiều những em nhỏ độ tuổi của con cũng không được đến trường. Có không ít bạn bè đồng trang lứa còn thiệt thòi hơn con khi chưa biết đến khoảnh khắc khai giảng. Bởi nhiều bạn còn đang trong khu cách ly, thậm chí có bạn đang phải… điều trị Covid-19.
Nói vậy, để con trai của bố hiểu rằng, sự thiệt thòi của con khiến bố thấy mình cần phải bù đắp cho con sau ngày “thắng” dịch trở về. Những chuyện ấy, có lẽ con cũng còn quá bé để chia sẻ cùng bố. Nhưng khi lớn lên, đọc lại những dòng chữ này, hy vọng, con sẽ hiểu một điều, chúng ta sinh ra ai cũng muốn có cuộc sống bình yên bên gia đình, người thân. Song, chúng ta không thể chọn hoàn cảnh. Và chúng ta phải biết chấp nhận những hy sinh nhỏ của mình để thay đổi thời cuộc, để cuộc sống của chúng ta và của mọi người được tốt đẹp hơn.
Bố và nhiều đồng đội của bố đã và sẽ luôn luôn lựa chọn điều đó! Lựa chọn chấp nhận hy sinh những riêng tư của mình vì mọi người và để con cùng bạn bè có thể được bình yên đến lớp!
Đã có một thời thế hệ cha ông ta đội mũ rơm đi bình dân học vụ. Cứ bom rơi thì xuống hầm trú ẩn. Hết tiếng bom rồi lại thắp đèn học chữ... Cha ông ta đã đi qua chiến tranh chưa từng có những ngày khai giảng với cờ hoa và lời chúc; phải đi học dưới làn bom, lưới đạn quân thù. Thế mà các ông, các bà đã giành lại độc lập, tự do cho đất nước, đã mang lại cho bố và con một cuộc sống hòa bình, no ấm hôm nay. Vì thế có lẽ những điều bố con ta đang trải qua sẽ chẳng là gì cả con nhỉ. Bố mong những gì con đang đối diện, những thiệt thòi trong ngày khai giảng của con trai bố sẽ giúp con vững vàng hơn ở tương lai phía trước.
Nhìn tấm ảnh ông bà chụp mà mẹ gửi cho bố tối nay có gương mặt trang nghiêm và đĩnh đạc của con đứng cạnh em trước giờ vào lớp 1 ở trường gửi, bố tin, chàng trai của bố lớn lên sẽ luôn vững vàng trước mọi sóng gió. Và con cũng sẽ là một chàng trai biết chấp nhận hy sinh những riêng tư của mình vì người khác!
Chúc con vững vàng trên con đường tới lớp!
Bố yêu con!
Thiếu tá Trần Duy Văn, Báo Quân đội nhân dân, đồng hành cùng các lực lượng chống dịch từ ngày 18/7 đến nay, tại khu vực TP Hồ Chí Minh và các tỉnh địa bàn Quân khu 7. Hai con đang gửi ông bà ở Lạng Sơn trước khi đi công tác, do Covid-19 nên các cháu không thể về Hà Nội để đi học. Các cháu phải gửi học ở trường thuộc huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn, dù đã nhập học online ở trường Tiểu học Kim Đồng (Ba Đình, Hà Nội). Vợ Thiếu tá Trần Duy Văn là giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi (Ba Đình) vẫn ở Hà Nội để lo việc trường lớp.