Tư vấn tâm lý học đường - Chính sách không theo kịp thực tế

26/06/2022, 09:14
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tình trạng bạo lực học đường, tự tử, trầm cảm ở học sinh và một số vấn đề khác liên quan đến tâm lý có xu hướng gia tăng. Các đại biểu Quốc hội và chuyên gia cho rằng, cần đẩy mạnh tư vấn tâm lý học đường. Trong đó bố trí cán bộ tư vấn chuyên trách và có chế độ, chính sách cho những người làm công việc này.

Tư vấn tâm lý học đường: Chính sách không theo kịp thực tế ảnh 1
Hoạt động ngoại khóa của Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Ảnh minh họa: TG

Nhiều vấn đề cần giải quyết

Đội ngũ giáo viên đang quá tải về công việc. Kiêm nhiệm công việc tư vấn đồng nghĩa thêm việc cho nhà giáo. Bên cạnh đó, các giáo viên làm công việc tư vấn chưa được đào tạo bài bản, ít thực hành nên hiệu quả không cao. Các trường đôi khi chưa quan tâm đúng mức đến công tác tư vấn học đường, do quan niệm kết quả giáo dục chủ yếu được đánh giá bằng điểm số và thành tích học tập của học sinh.

Phòng tâm lý học đường là bộ phận cấu thành ở môi trường giáo dục tiên tiến. Bằng nhiều biện pháp, các chuyên gia tâm lý học đường hỗ trợ thầy cô, ban giám hiệu, cha mẹ học sinh và lực lượng xã hội khác. Họ có thể trực tiếp thực hiện hoạt động phòng ngừa, can thiệp sớm, chuyên sâu, giải quyết những vấn đề tâm lý cho học sinh. Qua đó, giúp các em học tập hiệu quả trong trường học hạnh phúc.

Về mặt pháp lý, Thông tư 31 của Bộ GD&ĐT đã quy định vai trò, chức năng, cách thức triển khai của phòng tham vấn học đường trong các nhà trường. Hiện tại, giáo viên đang kiêm nhiệm thực hiện chức năng của chuyên gia tâm lý học. Đây là công việc hữu ích nhưng rất khó khăn. Do đó, thầy cô cần được bồi dưỡng về nghiệp vụ tâm lý học đường để thực hiện có hiệu quả.

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng – Giảng viên cao cấp, chuyên gia tâm lý, Học viện Quản lý Giáo dục ghi nhận: Những năm gần đây, xã hội, đặc biệt là ngành Giáo dục đã quan tâm đến hoạt động tư vấn tâm lý học đường. Nhưng thực tế, công tác này chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Những khó khăn gặp phải là: Năng lực tư vấn cho học sinh của các nhà tư vấn còn hạn chế; công tác tư vấn chủ yếu là do giáo viên kiêm nhiệm. Họ có năng lực dạy học nhưng kỹ năng của nhà tư vấn còn hạn chế. Đồng thời, chế độ đãi ngộ cho những người kiêm nhiệm công tác này chưa thỏa đáng (mặc dù Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn, xác định, vị trí việc làm và chế độ đối với những người tham gia tư vấn nhà trường).

Trong những năm gần đây số vụ bạo lực học đường ngày càng tăng, tính chất dần phức tạp. Đặc biệt số vụ bạo lực của học sinh nữ tăng, để lại hậu quả nghiêm trọng, làm tổn thương cả về thể chất và tinh thần của các em. Một trong giải pháp để ngăn chặn tình trạng này là tăng cường hiệu quả công tác tư vấn tâm lý học đường. Qua đó, giúp các em bước đầu giải quyết những mâu thuẫn, phòng tránh nảy sinh các xung đột. - PGS.TS Trần Thị Minh Hằng

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/tu-van-tam-ly-hoc-duong-chinh-sach-khong-theo-kip-thuc-te-post598549.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/tu-van-tam-ly-hoc-duong-chinh-sach-khong-theo-kip-thuc-te-post598549.html
Bài liên quan
Cách bố mẹ giúp trẻ em ở Ukraine vượt qua tâm lý sợ hãi
(GDTĐ) - Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã ảnh hưởng không nhỏ tới trẻ em ở Ukraine. Các chuyên gia tâm lý đã chia sẻ cách để bố mẹ có thể giúp đỡ con cái trong thời gian này.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tư vấn tâm lý học đường - Chính sách không theo kịp thực tế