Vị đại khoa từ chối 'đệ tam' quyết đỗ khôi nguyên

Trần Hoà | 07/06/2023, 17:54
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ xuất thân, Nguyễn Duy Tường từ chối vì quyết đỗ khôi nguyên.

Sau khi thi đỗ, Nguyễn Duy Tường được bổ nhiệm chức vụ gì thì sử liệu không thấy nhắc đến. Tuy nhiên, khi ông đang đương chức Tham chính xứ Kinh Bắc thì xảy ra sự biến Mạc Đăng Dung lấy ngôi nhà Lê.

Thông gia với Mạc Đăng Dung là Phạm Gia Mô làm Thượng thư bộ Lễ cùng đồng liêu ký thư thỉnh nguyện xin vua Chiêu Tông phong chức Tiết chế thủy bộ chư doanh mười ba đạo cho Mạc Đăng Dung.

Tiếp đó thăng cho Đăng Dung chức Thái phó (Tể tưởng) nắm toàn bộ các công việc quân dân triều đình. Những bề tôi thân tín của vua lần lượt bị Mạc Đăng Dung giết hại. Mưu toan giết vua cướp ngôi của Mạc Đăng Dung đã lộ rõ, bề tôi trung thành của nhà Lê nổi lên chống lại Mạc Đăng Dung, nhiều người thà chết không chịu hợp tác.

Hàn lâm Hiệu lý Nguyễn Thái Bạt, Thượng thư Lê Tuấn Mậu bị cưỡng ép vào chầu đã nhổ nước bọt vào mặt Mạc Đăng Dung… Sau khi Phó đô tướng Hà Phi Chuẩn dấy nghĩa cần vương ở Bắc Giang thua trận bị bắt đem về Thăng Long xử trảm, một loạt các văn thân tướng lĩnh ở vùng Kinh Bắc cầm đầu hương binh chống lại Mạc Đăng Dung - đứng đầu là Tiến sĩ Đàm Thận Huy.

Đàm Thận Huy khởi binh ở Ông Mặc huyện Đông Ngàn, Bình Hồ bá Nghiêm Bá Ký khởi binh ở Lương Cầm (Yên Phong). Nguyễn Duy Tường trở về quê hương thống lĩnh hương binh. Tương truyền, trong trận chiến cuối cùng năm 1526, bị thương ở tay, ông liền chặt đứt cánh tay ấy rồi sai quân buộc vào mình ngựa cho chạy về nhà để trả nghĩa cho mẹ. Còn ông ở lại chiến đấu rồi tử trận.

Sau khi Mạc Kính Vũ thua trận phải chạy sang Trung Quốc (5/1666), sự nghiệp trung hưng của nhà Lê toàn thắng. Tham tụng Phạm Công Trứ tâu lên vua Huyền Tông và chúa Trịnh Tạc xin tuyên dương các bề tôi tử tiết, ban thưởng cho các quan văn võ và binh sĩ có công.

Sách “Cương mục” có chép: “Những người được phong làm thần, đều cho dựng từ đường ở trong làng theo thời tiết tế tự như thể lệ tế bách thần. Con cháu của họ thì lựa chọn bổ dụng những người có đức hạnh tốt; còn những người khác thì đều trừ dao dịch cho nhà họ”.

Hoàng giáp Nguyễn Duy Tường cũng được triều đình cho dựng đền thờ ở xã Lý Hải. Đền mang tên “Tiết nghĩa từ”, được hưởng quy chế hàng năm xuân thu nhị kỳ quan đầu trấn thay mặt triều đình đến làm chủ tế, được cấp tiền công chi dùng lễ vật. Nguyên đền trước ở vị trí vườn 18 cây muỗm, về sau đền bị hư hại không sửa chữa được nên chuyển tế khí về thờ ở từ đường dòng họ, tức là đền thờ hiện nay.

Truyền đời khoa bảng

Vị đại khoa từ chối 'đệ tam' quyết đỗ khôi nguyên ảnh 3
Tấm bia đá cổ tại nhà cụ Nguyễn Duy Trừ - hậu duệ dòng họ Nguyễn Duy.

Theo nhà nghiên cứu Hán Nôm - GS Ngô Đức Thọ, có một di vật quý nhất của đền thờ Hoàng giáp Nguyễn Duy Tường là tấm biển gỗ sơn mài màu mận chín, chữ khải thếp vàng. Đáng tiếc là trước đây (không rõ năm nào) người ta không hiểu nội dung, e ngại liên quan vua quan phong kiến nên đã cưa phá làm hai mảnh mà mảnh trên đã bị mất hẳn, khiến cho bài thơ thất ngôn 8 câu bị mất hẳn 4 câu đầu và cả 4 chữ câu thứ 5.

Tài liệu do cụ Nguyễn Duy Trừ ghi có khẳng định đây là tấm biển do triều đình nhà Lê ban mà sau này khắc lại vào đời Thiệu Trị. Nhưng dòng lạc khoản ghi ở cuối bài thơ là “Tân thuyên” (mới khắc lần đầu).

GS Ngô Đức Thọ cho rằng, đây là thơ Ngự chế của vua Thiệu Trị nên mới được khắc chạm sơn son thếp vàng. Các vua triều Nguyễn muốn đề cao lòng trung nghĩa nên thường rất chú ý đề vịnh về những bề tôi tiết nghĩa của triều Lê.

“Hiện chúng tôi chưa rõ toàn bộ thơ ngự chế của vua Thiệu Trị đã được khắc in công bố hay chưa nên chưa có điều kiện tra cứu để xác minh vấn đề của bài thơ này. Nội dung bài thơ vịnh sự tích tiết nghĩa của Hoàng giáp Tham chính Nguyễn Duy Tường. Lạc khoản cho biết tấm biển được chế tác năm Thiệu Trị thứ 6 (1846). Riêng 4 chữ đầu của câu thứ 5, bản ghi chép của cụ Nguyễn Duy Trừ ghi được 4 chữ ấy là: “Khoa mục trùng đăng 科目重登”, còn 4 câu đầu hiện chưa tra cứu được”, GS Ngô Đức Thọ nhận định.

Phiên âm: [Khoa mục trùng đăng] tứ hải văn/Quyên sinh nghĩa khẳng phụ vi thần/ Tử tôn dịch thế đăng Nho tuyển/Thiên lý chiêu chiêu hiển tại nhân/Thiệu Trị lục niên bồ nguyệt chi thượng cán tân thuyên. Dịch nghĩa: Dòng họ có nhiều người đỗ đạt, nổi tiếng trong thiên hạ/Quên mình vì việc nghĩa, không phụ danh người bề tôi/[Cho nên] con cháu nhiều đời thi đỗ các khoa thi Nho học/Đúng là đạo trời hiển rạng ở con người (niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 6, thượng tuần tháng cỏ Bồ, tức tháng 5, khắc mới lần đầu).

Con trai của Tiến sĩ Nguyễn Duy Tường là Nguyễn Hoằng Xước (sinh năm 1502, chưa rõ năm mất) đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân niên hiệu Đại Chính năm thứ 9 triều Mạc (1538) làm quan tới chức Đề hình. Con của Nguyễn Hoằng Xước là Nguyễn Thế Thủ (Phủ) đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân niên hiệu Đoan Thái năm thứ 2 đời Mạc Mậu Hợp (1586). Khi nhà Mạc thất thủ, ông ở lại kinh đô và làm quan với nhà Lê đến chức Tham chính.

Cháu 4 đời của Tiến sĩ Nguyễn Thế Thủ là Nguyễn Quang Luân (sinh năm 1683) nổi tiếng thần đồng từ khi 12 tuổi, đỗ Đình nguyên Hoàng giáp khoa Quý Mùi (1703) khi mới 21 tuổi.

Bài liên quan
Hai vị Hoàng giáp tiết nghĩa thà chết không thờ hai chủ
Để chiếm ngôi nhà Lê, Mạc Đăng Dung sai Trương Phu Duyệt thảo chiếu nhường ngôi nhưng bị cự tuyệt, còn Đặng Ất thì tuẫn tiết giữ lòng trung.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vị đại khoa từ chối 'đệ tam' quyết đỗ khôi nguyên