Đối với đẩy mạnh hoạt động khai thác, kế hoạch đặt mục tiêu theo các giai đoạn như sau: Giai đoạn đến năm 2030: Đẩy mạnh tìm kiếm công nghệ, thị trường khai thác gắn với chế biến sâu khoáng sản đất hiếm tại các mỏ đã cấp phép khai thác như Đông Pao - Lai Châu; Yên Phú - Yên Bái.
Dự kiến đầu tư mới dự án khai thác mỏ tại Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Tổng sản lượng khai thác đạt ≈ 2.020.000 tấn quặng nguyên khai/năm.
Giai đoạn năm 2031 - 2050: Duy trì hoạt động của các dự án hiện có, đầu tư mở rộng khai thác mỏ Đông Pao và đầu tư mới 3 - 4 dự án khai thác tại Lai Châu, Lào Cai nếu có nhà đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tổng sản lượng khai thác đạt ≈ 2.112.000 tấn quặng nguyên khai/năm.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới - ước tính khoảng 22 triệu tấn chỉ đứng sau Trung Quốc(sản lượng 44 triệu tấn). Hai nơi có trữ lượng lớn nhất tiếp theo là Brazil và Nga. USGS cho biết sản lượng khai thác đất hiếm của nước ta đã tăng lên 4.300 tấn vào năm ngoái từ 400 tấn vào năm 2021.
Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ xem xét xuất khẩu một phần sản lượng tinh chế. Chỉ những công ty khai thác có công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường mới được cấp phép khai thác và chế biến.
Đất hiếm là một nhóm các nguyên tố có ứng dụng trong sản xuất điện tử và pin, khiến chúng trở nên quan trọng đối với quá trình chuyển đổi toàn cầu sang các nguồn năng lượng sạch hơn và trong quốc phòng và đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực pin xe điện.
Ngoài khai thác mỏ, kế hoạch này cũng chỉ ra rằng sẽ tìm cách đầu tư vào các cơ sở tinh chế đất hiếm, với mục tiêu sản xuất 20.000-60.000 tấn oxit đất hiếm (REO) hàng năm vào năm 2030.