Vượt ‘cửa tử’ truyền cảm hứng cho học trò

Toán - Đức | 03/12/2022, 15:45
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bị suy thận độ 4, tưởng chừng không sống nổi, thế nhưng, thầy Trương Công Giáo đã vượt qua 'cửa tử', tiếp tục truyền cảm hứng cho học trò.

Đương đầu với bệnh tật

Nhiều năm qua, thầy Trương Công Giáo (Trường THCS Yên Thọ, Như Thanh, Thanh Hóa) vẫn kiên cường chiến đấu với bệnh tật và hạnh phúc khi được đứng trên bục giảng mỗi ngày. Câu chuyện về thầy đã tiếp thêm động lực, sự lạc quan về cuộc sống cho đồng nghiệp và học sinh toàn trường.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Yên Thọ, sau khi tốt nghiệp Đại học Hồng Đức năm 2002, thầy về giảng dạy tại Trường THCS Yên Lạc (huyện Như Thanh). Hai năm sau, thầy Giáo chuyển về Trường THCS Yên Thọ rồi gắn bó đến nay.

“Tôi về Yên Thọ với tâm thế là một người con của quê hương, muốn đem kiến thức, chuyên môn cùng niềm đam mê để truyền dạy cho học sinh xã nhà. Xuất phát từ tinh thần ấy, tôi đã không ngừng nỗ lực trau dồi chuyên môn. Trong vai trò là Bí thư Đoàn trường, tôi cũng đẩy mạnh các hoạt động để học trò có thêm niềm vui mỗi khi đến trường”, thầy Giáo tâm huyết nói.

Thế nhưng, khi đang miệt mài với đam mê thì biến cố ập tới. Giữa năm 2015, thầy Giáo phát hiện bị suy thận mức độ 2. Dù đã cố gắng giữ vững tinh thần, duy trì điều trị, thuốc thang song bệnh tình diễn tiến ngày càng xấu đi.

“Cảm giác lúc đó rất suy sụp. Bởi, niềm đam mê được tiếp tục đi dạy trong tôi còn rất nhiều, những dự định ấp ủ còn chưa thực hiện được. Trong khi đó, bệnh tình diễn tiến xấu kéo theo chi phí điều trị cũng rất tốn kém”, thầy bùi ngùi.

Trong thời gian điều trị bệnh, thầy Giáo vẫn gắng gượng lên lớp. Nhiều hôm chóng mặt khiến thầy loạng choạng không thể dạy tiếp. “Thật may, trong tình cảnh như vậy, tôi luôn được nhà trường và đồng nghiệp cảm thông, hỗ trợ”, thầy Giáo nói.

Vượt ‘cửa tử’ truyền cảm hứng cho học trò ảnh 1

Thầy Giáo trong giờ dạy tại lớp 6D, Trường THCS Yên Thọ.

Cuối năm 2016, thầy được bác sĩ thông báo suy thận đã lên độ 4, đồng thời chỉ định lọc máu và ghép thận. Tuy nhiên, làm thế nào để ghép được thận là bài toán vô cùng nan giải đối với thầy Giáo và gia đình.

Suốt khoảng thời gian dài sau đó, cứ hết tiết dạy, thầy Giáo lại gắng gượng lọc máu 3 lần mỗi tuần, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Ngoài tham vấn ý kiến bác sĩ, thầy Giáo cũng tích cực tham gia vào các diễn đàn, hội nhóm trên mạng xã hội gồm những người bị suy thận,... để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm điều trị bệnh.

“Từ những hội, nhóm này đã làm nhịp cầu để tôi quen biết một thanh niên ở tỉnh Bình Phước có tấm lòng nhân ái. Mặc dù, là người xa lạ nhưng sau khi nghe bệnh tình và câu chuyện của tôi, cậu ấy đã bay ra ngoài này đồng ý hiến thận cho tôi. Lúc đó, thực sự tôi vô cùng xúc động”, thầy bộc bạch.

Sau thời gian theo dõi, kiểm tra sức khỏe, tháng 8/2017, ca ghép thận đã diễn ra thành công. “Khi tỉnh dậy, tôi cảm giác như cơ thể mình đã lột xác trở thành một con người hoàn toàn khác, khỏe mạnh, minh mẫn và tràn đầy sức sống”, thầy Giáo nhớ lại.

Sống lại với đam mê

Sau gần một tháng điều trị, thầy Giáo được xuất viện và trở lại với công việc, song vẫn duy trì tái khám, thuốc thang theo định kỳ hàng tháng.

“Ngày đầu đi làm trở lại, lúc ấy tôi cảm giác như được sống lại với đam mê, niềm hạnh phúc vỡ òa khi gặp lại học trò, đồng nghiệp. Những dự định, công việc tưởng chừng như không thể thực hiện giờ đây đã có thể bắt đầu”, thầy giáo xúc động nói.

Khi trải qua ranh giới giữa sự sống và cái chết, thầy Trương Công Giáo nhận ra cuộc sống này thật đáng giá, và xung quanh ta vẫn còn những tấm lòng nhân ái, thiện lương. “Với tôi, dạy học chính là đam mê duy nhất lúc này và mỗi ngày được đến trường chính là niềm hạnh phúc”, thầy Giáo bộc bạch.

Vượt ‘cửa tử’ truyền cảm hứng cho học trò ảnh 2

Thầy Giáo và nhóm tác giả đoạt giải tại cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” 2022 với tác phẩm “Có một người thầy như thế”.

Với môn Hóa mà mình đảm trách, thầy luôn áp dụng phương pháp giảng dạy phù hợp, tạo sự hứng thú cho học trò. Đặc biệt, tiết học của thầy diễn ra nhẹ nhàng và nhiều tiếng cười thay vì tạo áp lực cho học sinh.

“Khi gần gũi, không tạo áp lực cho học trò thì các bạn ấy mới tự tin phát biểu ý kiến, mạnh dạn chia sẻ những khó khăn, vướng mắc. Còn kiến thức thì tùy vào từng học sinh, từng lớp để áp dụng phương pháp giảng dạy phù hợp, đơn giản nhưng hiệu quả”, thầy Giáo cho hay.

Phương pháp này cũng mang lại hiệu quả khi thầy “cầm” đội tuyển ôn thi học sinh giỏi. Suốt từ năm 2008 đến nay, gần như năm nào đội tuyển Hóa do thầy phụ trách đều có học sinh đoạt giải cấp huyện, có em đoạt giải cấp tỉnh. Thầy Giáo cũng nhiều năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Cảm phục trước nghị lực sống, sự nhiệt huyết của thầy Giáo, em Hoàng Kim Yến cùng 5 học sinh khác của lớp 9A (Trường THCS Yên Thọ) đã viết về người thầy của mình trong tác phẩm “Có một người thầy như thế”. Tác phẩm đã đoạt giải Nhất cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” năm 2022 tại Thanh Hóa và đoạt giải Ba cấp Trung ương.

Đặc biệt, tác phẩm của thầy và trò nhà trường còn được yêu thích nhất trên fanpage của Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam.

Em Hoàng Kim Yến (lớp 9A) chia sẻ: “Với chúng em, thầy là tấm gương nhà giáo mẫu mực, tràn đầy nhiệt huyết với nghề. Mặc dù, bị bệnh song thầy vẫn luôn vui vẻ, lạc quan và truyền cảm hứng cho chúng em. Em và các bạn đã học được sự lạc quan, nghị lực sống từ chính tấm gương của thầy”.

“Thầy Giáo là một trong những giáo viên cốt cán ở bộ môn Hóa của nhà trường. Thầy đã vượt qua bệnh tật để cống hiến cho bậc học.

Với chuyên môn tốt, năm nào cầm đội tuyển ôn thi Hóa, thầy cũng có học sinh đoạt giải. Ngoài công tác chuyên môn, thầy Giáo còn phụ trách hoạt động của Đoàn trường. Trong mọi hoạt động, phong trào thầy đều gương mẫu, xông xáo và nhiệt tình”, thầy Phạm Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường THCS Yên Thọ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vượt ‘cửa tử’ truyền cảm hứng cho học trò