Vị trí và ảnh hưởng của đồng USD với tư cách là một đồng tiền dự trữ đi kèm với cái giá phải trả - đó là thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ.
Đó là bởi vì có nhiều nhu cầu về USD trên toàn cầu hơn so với nhu cầu nhập khẩu của người Mỹ, vốn cũng đang được thanh toán bằng đồng USD.
Vì vậy, Mỹ sẽ cần phải đối mặt với số lượng thâm hụt lớn hơn bao giờ hết để duy trì vị thế đồng tiền dự trữ của mình. Nghịch lý này lần đầu tiên được nhà kinh tế Robert Triffin của Đại học Yale đưa ra trước Quốc hội vào năm 1960.
Nhược điểm của thâm hụt tài khoản vãng lai là nó khiến quốc gia trở nên dễ bị tổn thương trước những thay đổi bất ngờ trong dòng vốn toàn cầu, theo Bloomberg.
Như John Kemp của Reuters giải thích vào năm 2009, Mỹ đã có thâm hụt ngân sách và tài khoản vãng lai lớn hơn hầu hết các quốc gia khác chỉ vì nước này là nhà phát hành đồng tiền dự trữ chính của thế giới.
Kemp viết: "Khi nền kinh tế toàn cầu mở rộng, nhu cầu về tài sản dự trữ tăng lên. Những tài sản này chỉ có thể được cung cấp cho người nước ngoài bởi nước Mỹ - vốn đang thâm hụt tài khoản vãng lai".
Ông Green cho biết, mặc dù Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng nước này sẽ không thể chịu được tình trạng thâm hụt lâu dai như Mỹ.
Ông viết: "Trung Quốc không sẵn lòng về mặt chính trị và không có khả năng về kinh tế - trừ khi có cải cách cơ cấu quan trọng - để thâm hụt tài khoản vãng lai kéo dài và cung cấp đủ nguồn cung tài sản nhân dân tệ trên toàn cầu".
Sự phổ biến của USD là thách thức đối với bất kỳ loại tiền tệ nào muốn thay thế đồng USD làm đồng tiền dự trữ của thế giới.
Hiện tại, vai trò của đồng Euro còn lớn hơn đồng NDT.
Vào tháng 4, 43% tổng số khoản thanh toán toàn cầu được thực hiện qua SWIFT bằng đồng USD, trong khi 32% được thực hiện bằng đồng Euro. Chỉ 2,3% giao dịch SWIFT được thực hiện bằng đồng NDT.
Trong khi đó, đồng USD chiếm tỷ trọng lớn, tương đương 54% dự trữ ngoại hối toàn cầu trong quý 4/2022, theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Đồng Euro chiếm 20% lượng dự trữ, trong khi đồng NDT chỉ chiếm 2,5% lượng dự trữ này.
Trả lời CNBC ngày 1/5, nhà sử học Niall Ferguson của Đại học Stanford cho rằng có nhiều trở ngại bên cạnh những thách thức nằm ngoài tầm kiểm soát của Trung Quốc, bao gồm cả rủi ro trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Ông Green viết: "Địa chính trị và sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đang đẩy mạnh – và sẽ tiếp tục thúc đẩy – việc sử dụng NDT cho thương mại và dự trữ. Việc sử dụng nhân dân tệ trên phạm vi quốc tế nhiều hơn sẽ tạo ra các kênh để phá vỡ lệnh trừng phạt, nhưng đồng USD sẽ không bị đe dọa".